KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 14/06/2024 - Lượt xem: 286
Bảo vệ đê, kè mùa mưa, lũ

Toàn tỉnh có 2 tuyến đê gồm đê tả sông Hồng và đê tả sông Luộc với tổng chiều dài hơn 79,7km. Để bảo đảm an toàn cho các tuyến đê, kè trong mùa mưa lũ, ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương có tuyến đê xây dựng các phương án bảo đảm an toàn, đồng thời chủ động tu sửa công trình đê, kè, cống.

Trên tuyến đê sông Hồng, sông Luộc qua địa bàn tỉnh hiện nay có các hệ thống và công trình phụ trợ gồm: 14 cống qua đê, 15 kè lát mái, hộ bờ, kè mỏ hàn với tổng chiều dài hơn 26,9km; 3 cửa khẩu qua đê; 60 điếm canh đê; 21 điểm kho, bãi vật tư dự trữ phòng, chống lụt, bão; 45 giếng giảm áp.
Tuyến đê sông Hồng đoạn qua huyện Văn Giang được duy tu phục vụ
công tác phòng, chống mưa, lũ
Năm 2023, trên các tuyến đê xảy ra 3 sự cố đê điều. Trong đó, do ảnh hưởng nền địa chất xấu, đồng thời từ ngày 11 đến 14/9/2023, có mưa to và rất to gây ra cố kết của đất mái đê giảm làm mất ổn định dẫn đến sạt trượt mái đê tại vị trí K83+370 - K83+400 đê tả sông Hồng, thôn Phi Liệt, xã Liên Nghĩa (Văn Giang). UBND tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai và cấp kinh phí để các đơn vị, địa phương tổ chức xử lý. Do ảnh hưởng của các đợt mưa, lũ năm 2023, tuyến kè Đồng Thiện (Tiên Lữ) có hiện tượng sụt lún và sạt lở tại vị trí C51-C61 tương ứng K1+500 - K1+720 đê tả sông Luộc, với chiều dài khoảng 320m. Cũng do ảnh hưởng của các đợt mưa, lũ năm 2023, tuyến kè Nguyên Hòa (Phù Cừ) vị trí tương ứng K20+030 đê tả sông Luộc xuất hiện 1 cung sạt lấn sâu vào bãi canh tác của Nhân dân, gây sạt lở một phần hạ lưu tuyến kè.
Qua đánh giá hiện trạng đê điều của Sở Nông nghiệp và PTNT, các tuyến đê của tỉnh có 13 trọng điểm xung yếu cần đặc biệt chú ý trong công tác phòng, chống lụt bão. 31 vị trí đã từng xuất hiện mạch đùn, mạch sủi; trong đó đã xử lý được 15 vị trí, hiện còn 16 vị trí cần theo dõi mạch đùn, mạch sủi khi có lũ. 19 vị trí thẩm lậu, rò rỉ; trong đó có 17 vị trí đã được xử lý, khắc phục, còn 2 vị trí cần theo dõi khi có lũ. Tổng chiều dài các kè hiện có hơn 26,9km, trong đó, 0,62km kè có diễn biến sạt lở, cần tu bổ, sửa chữa; 0,238km kè có diễn biến sạt lở cần theo dõi và 0,485 km kè đang thi công dở dang, chuẩn bị thi công. Trong tổng số 14 cống qua đê, có 4 cống cần sửa chữa.
Cùng với việc chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục sửa chữa, nâng cấp, xử lý sự cố về đê điều như: Sự cố sụt lún và sạt lở kè Đồng Thiện (Tiên Lữ); cung sạt kè Nguyên Hòa (Phù Cừ); dự án cải tạo, nâng cấp đê tả sông Hồng đoạn từ K117+900 đến K127+000… Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh đã xây dựng 3 trọng điểm tỉnh để theo dõi và có phương án xử lý trong bão, lũ gồm: Phương án bảo vệ cống khi có lũ cao cống Liên Khê (Khoái Châu), vị trí K101+200, đê tả sông Hồng; phương án chống sạt lở kè và đê bối Phú Hùng Cường (thành phố Hưng Yên), vị trí tương ứng K114+000-K121+500, đê tả sông Hồng; phương án bảo vệ cống khi có lũ cao cống Trạm bơm Triều Dương, vị trí K4+475, đê tả sông Luộc (Tiên Lữ). Cùng với đó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng 12 trọng điểm cấp huyện.
Đồng chí Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cho biết: Ngoài vật tư dự trữ của Nhà nước ở các kho bãi gần đê, kể cả đất dự trữ để sẵn trên đê; các địa phương cần có phương án dự trữ vật tư trong Nhân dân để đáp ứng yêu cầu xử lý trọng điểm và hộ đê toàn tuyến của tỉnh. Mỗi ki-lô-mét đê chuẩn bị 50 cây tre tươi, có kế hoạch hiệp đồng cụ thể với từng hộ gia đình có tre để khi cần huy động được ngay. Các gia đình có giếng khơi ở gần đê phải chuẩn bị cát vàng, bao tải, gạch vỡ để sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra. Các xã ven đê, mỗi hộ gia đình chuẩn bị một số dụng cụ như: Mai, cuốc, xẻng, quang gánh, 2 bao tải và đất để đóng vào bao tải. Các địa phương xây dựng phương án chuẩn bị phương tiện vận tải đường thuỷ, đường bộ như: ô tô vận tải, tàu, thuyền, sà lan, máy xúc, xe đạp thồ và máy, thiết bị khác theo đặc điểm của từng địa bàn. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án di dời, bảo vệ Nhân dân vùng bối, vùng bãi sông thuộc phạm vi huyện, thành phố quản lý đến nơi an toàn trong lũ, bão năm 2024 theo phương châm “4 tại chỗ” với một số nội dung cơ bản như: Bối chỉ giữ đến mức cho phép, không để vỡ bối đột ngột; chủ động di dời và bảo vệ Nhân dân đến nơi an toàn khi có tình huống xấu (lũ, bão…) xảy ra; có kế hoạch để Nhân dân chuẩn bị thuyền, bè mảng, phương tiện phù hợp di dời được kịp thời, an toàn; đề cập mọi tình huống bất lợi nhất để cứu hộ, cứu nạn, di dời Nhân dân đến nơi an toàn; thống kê cụ thể số người, số tài sản kèm theo của Nhân dân để chuẩn bị phương tiện và phương châm “4 tại chỗ” một cách hợp lý; có địa điểm, khu vực cụ thể đủ để Nhân dân được di dời đến bảo đảm chỗ ăn, chỗ nghỉ; có biện pháp cụ thể để bảo đảm an ninh trật tự, tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân; phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho các thành viên của ban chỉ huy để chỉ huy, thực hiện.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan