Vụ cháy xảy ra tối 16/6 tại nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh trên phố Định Công Hạ, phường Định Công (quận Hoàng Mai) làm bốn người chết, tiếp tục là hồi chuông báo động về tình trạng mất an toàn cháy, nổ đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh vốn đang tồn tại nhiều hạn chế. Những vụ cháy liên tiếp xảy ra thời gian gần đây khiến người dân vô cùng lo lắng.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân vụ cháy tại số nhà 207 phố Định Công Hạ, quận Hoàng Mai ngày 16/6/2024.
Theo thông tin từ Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai (Hà Nội), khoảng 18 giờ 22 phút ngày 16/6/2024, tại số nhà 207, phố Định Công Hạ, quận Hoàng Mai xảy ra vụ cháy lớn. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng tại phường Định Công, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 22, Lữ đoàn 26 Quân chủng Phòng không-Không quân và người dân đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, phối hợp chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Công an thành phố đã điều động lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Công an thành phố, Công an các quận: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Cảnh sát 113 Công an quận Hoàng Mai, Công an phường Định Công, với gần 100 cán bộ, chiến sĩ cùng 12 xe chữa cháy, phương tiện chuyên dụng đến hiện trường tổ chức chữa cháy. Đến 19 giờ 30 phút, đám cháy đã được khống chế và đến 20 giờ đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Tuy nhiên, vụ cháy làm bốn người chết, gồm bà N.M.H. (sinh năm 1971), con trai bà H. (sinh năm 2013) và hai cháu nhỏ (sinh năm 2018 và năm 2022).
Ngay trong tối 16/6, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã có văn bản chỉ đạo Giám đốc Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai và các đơn vị liên quan tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định của pháp luật (nếu có).
Lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu các chủ công trình khắc phục ngay các nội dung tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy tại 29 cơ sở do đã quá thời hạn cam kết, đồng thời tiến hành khắc phục các nội dung tồn tại vi phạm còn lại theo đúng lộ trình đã cam kết với Công an thành phố. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Sáng 17/6, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã đến Bệnh viện Bưu điện thăm hỏi, động viên và trao tiền hỗ trợ các nạn nhân vụ cháy. Đồng chí ân cần thăm hỏi, động viên người bị nạn và các bác sĩ, nhân viên y tế đang điều trị cho các nạn nhân; trực tiếp trao tiền hỗ trợ của thành phố cho gia đình nạn nhân vụ cháy đang nằm điều trị tại Bệnh viện Bưu điện. Đồng chí chia sẻ với những mất mát của gia đình, động viên gia đình vượt qua khó khăn...
Ngôi nhà bị cháy nằm ở mặt phố Định Công Hạ, được thiết kế theo kiểu nhà ống, mặt tiền ngôi nhà rộng khoảng 6m, chiều sâu khoảng 20m, được xây dựng kiên cố cao sáu tầng và tầng tum, trong đó tầng 1 dùng làm cửa hàng kinh doanh vật tư ngành điện, nước, vật liệu xây dựng, tầng 2, tầng 3 dùng làm kho chứa hàng, tầng 4, tầng 5 là phòng ngủ gia đình, tầng 6 là phòng khách, bếp ăn và tầng tum làm phòng thờ và sân phơi. Khi đám cháy xuất phát từ tầng 4, con trai, con gái chủ nhà và một số người ở tầng 1 nhanh chóng thoát ra ngoài. Chủ nhà ở tầng 5 cũng thoát sang nhà hàng xóm qua ban-công hở phía trước.
Thiếu tá Vũ Văn Sơn, Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an quận Hoàng Mai - người trực tiếp chỉ huy công tác chữa cháy tại hiện trường cho biết, ngôi nhà xảy ra cháy là nhà ống, vừa làm kho, vừa làm nhà ở, duy nhất chỉ có một cầu thang bộ là đường tiếp cận đến các tầng bên trên. Tầng 5 và tầng 6, nơi bốn nạn nhân mắc kẹt bị bịt kín bởi cửa kính. Toàn bộ chất cháy tại tầng 2 đến tầng 4 bị thiêu đốt, nhà lại kín mít, nhiệt lượng cao và khói khí độc thông thẳng qua cầu thang bộ bốc lên, khiến ngôi nhà như một lò nung, không có lối thoát khói.
Khi phát hiện đám cháy, người dân chung quanh đã cố gắng trèo lên mái nhà bên cạnh, bắc thang lên mái nhà để phá cửa, cứu người bị nạn, nhưng do ngôi nhà có chiều cao vượt trội so với các công trình bên cạnh, cho nên việc tiếp cận các tầng cao rất khó khăn. Một số người dân sử dụng búa tạ để phá cửa kính, nhưng các cửa sổ sử dụng kính cường lực hai lớp khiến việc phá cửa không thành. Ngoài ra, toàn bộ ban-công hở tầng 6 đã bị chủ nhà bịt kín bằng kính dẫn đến việc tiếp cận hiện trường của lực lượng chức năng gặp khó khăn.
Gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra nhiều vụ cháy lớn ở nhà dân. Cụ thể, 5 giờ 33 phút ngày 30/5, tại ngôi nhà ba tầng ở phường Phú Lương, quận Hà Đông, xảy ra vụ hỏa hoạn, nhưng may mắn cả bảy người sinh sống trong ngôi nhà đều thoát ra an toàn. Ngày 5/6, tại chung cư mi-ni cao 9 tầng 1 tum, ở số 26 ngõ 50 đường Đình Thôn, phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm), xảy ra cháy tại ban- công căn hộ 906 ở tầng 9. Thời điểm xảy ra cháy, chủ nhà đi vắng, người dân đã tự phá cửa, sử dụng các phương tiện chữa cháy tại tòa nhà dập tắt đám cháy.
Rạng sáng 8/6, vụ cháy xảy ra tại quán cà-phê ở số nhà 23 phố Hàng Vải, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm. Căn nhà xảy ra cháy là ngôi nhà chuyên bán tre, trúc và kinh doanh cà-phê khiến ngọn lửa kèm khói đen bốc cao. Mới đây, khoảng 4 giờ ngày 14/6, hai ngôi nhà liền kề nằm sâu trong ngõ Trại Cá, phường Trương Định (quận Hai Bà Trưng) bất ngờ xảy ra cháy lớn. Sau khoảng 30 phút, đám cháy được lực lượng chức năng khống chế. Vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng khiến người dân sinh sống trong khu vực rất lo sợ.
Thời gian qua, nhất là từ sau khi xảy ra vụ cháy chung cư mi-ni tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, làm 56 người chết; vụ cháy nhà trọ kết hợp kinh doanh xảy ra cuối tháng 5 tại số 1 ngõ 43/98/31 phố Trung Kính, phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) làm 14 người chết, thành phố thành lập 900 tổ công tác tiến hành tổng kiểm tra, rà soát việc chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với loại hình nhà trọ và các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn thành phố, trong đó có loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh.
Qua các lần kiểm tra, mặc dù nhiều hạn chế, vi phạm về an toàn cháy, nổ đã được lực lượng chức năng xử lý, hướng dẫn chủ đầu tư, người dân khắc phục, tuy nhiên, tình trạng mất an toàn cháy, nổ còn rất lớn, trong đó riêng đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất, trên địa bàn thành phố còn tồn tại hàng nghìn công trình không bảo đảm về giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp thoát nạn, vi phạm về an toàn điện...
Để hạn chế các vụ cháy đáng tiếc xảy ra, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường xử lý các vi phạm an toàn cháy, nổ. Đặc biệt, từng người dân nâng cao nhận thức an toàn cháy, nổ, hình thành kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Các hộ gia đình, nhất là các hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh tự trang bị, lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm để phòng ngừa sự cố, giảm nguy cơ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Nguồn: https://nhandan.vn