KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Quốc phòng - An Ninh
Đăng ngày: 20/06/2024 - Lượt xem: 240
Cảnh giác lừa đảo đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Những năm qua, công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng được xác định là một trong những giải pháp nhằm góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người lao động và gia đình. Đối với người lao động, việc tham gia học tập, lao động tại nước ngoài còn là môi trường thực tiễn để rèn luyện tay nghề, hoàn thiện kỹ năng, sẵn sàng tham gia thị trường việc làm khi trở về nước.

Tốt nghiệp THPT, anh Dương Hữu Việt ở xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên) tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Nhật Bản. Anh chia sẻ: Tôi sang Nhật Bản làm công nhân trong lĩnh vực xây dựng. Công việc ổn định, thu nhập khá. Trong thời gian làm việc ở đây, tôi đã học hỏi và làm việc, tích luỹ thêm kiến thức. Cùng với đó, với số vốn tích lũy được khi làm việc ở Nhật Bản, tôi đã giúp gia đình xây dựng nhà ở khang trang và có vốn để khởi nghiệp.
Tư vấn du học, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cho học sinh (Ảnh minh hoạ)
Để thực hiện hiệu quả việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, thời gian qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương, các doanh nghiệp… tổ chức tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên cơ sở thẩm định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Ngoài ra, các chương trình xuất khẩu lao động phi lợi nhuận như: Chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS); Chương trình tuyển chọn thực tập sinh làm việc tại Nhật Bản (IM Japan); Chương trình tuyển điều dưỡng viên đi học tập và làm việc tại Nhật Bản; Chương trình tuyển điều dưỡng viên đi học tập và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức… được triển khai tích cực và hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đưa 1.815 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 52,6% kế hoạch năm, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023). Các thị trường lao động chủ yếu là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia… Đối với các thị trường như: Anh, Đức, Ô-xtrây-li-a… mặc dù nhu cầu của người dân rất lớn, song do thủ tục khắt khe, chi phí cao nên nhiều người chưa thể tiếp cận.
Tuy nhiên, thời gian qua, lợi dụng tâm lý nôn nóng, muốn nhanh chóng đi làm việc ở nước ngoài và sự thiếu hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người lao động, một số cá nhân, tổ chức mạo danh các doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để lừa đảo tuyển dụng người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường mới như: Ô-xtrây-li-a, Canada và một số thị trường có thu nhập cao khác thông qua mạng xã hội hoặc các website mạo danh. Mới đây, lợi dụng việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao và Thương mại Ô-xtrây-li-a ký kết Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Ô-xtrây-li-a và Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Ô-xtrây-li-a theo Chương trình PALM đã xuất hiện một số tổ chức, cá nhân mạo danh được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ô-xtrây-li-a lựa chọn để tuyển chọn, thu tiền của người lao động trái quy định của pháp luật, có nguy cơ mất an ninh, trật tự tại một số địa phương. Để ngăn ngừa tình trạng này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phối hợp thông tin để ngăn chặn tình trạng lừa đảo đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Ô-xtrây-li-a trong ngành nông nghiệp.
Theo thông tin từ lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận vụ việc nào liên quan đến tình trạng lừa đảo đưa lao động đi làm việc tại Ô-xtrây-li-a. Song, để bảo đảm quyền lợi của người dân có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài và ngăn chặn tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng thông tin về chương trình để lừa đảo, thu tiền của người lao động trái quy định, Sở Lao động – Thương và Xã hội đã ban hành công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn… tuyên truyền, thông tin tới người lao động tại địa phương về việc không đăng ký, nộp tiền cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Ô-xtrây-li-a cho tới khi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố chính thức danh sách doanh nghiệp, đơn vị được lựa chọn thực hiện chương trình.
Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tránh gặp rủi ro khi làm việc ở nước ngoài, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thân nhân người lao động… theo dõi, nắm bắt tình hình người lao động; giám sát chặt chẽ việc tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với những lao động đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo yêu cầu của phía tiếp nhận. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, địa phương về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tăng cường thông tin thị trường... Đồng thời, tổ chức tốt các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm để kết nối cung - cầu lao động, tạo cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển dụng, tuyển sinh đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, phù hợp với nguyện vọng của người lao động…
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan