Chăm sóc nhãn sau thu hoạch giúp cây nhanh hồi phục, tạo đà cho cây sinh trưởng, phát triển để có vụ tiếp theo đạt năng suất, chất lượng.Đến cuối tháng 8, trà nhãn chính vụ và đến cuối tháng 9 trà nhãn muộn đã thu hoạch xong. Thời điểm này, các nhà vườn trồng nhãn trong tỉnh đang khẩn trương thực hiện các công đoạn kỹ thuật để cây nhãn hồi phục. Ông Nguyễn Văn Phi ở xã Tiền Phong (Ân Thi) cho biết: Sau thu hoạch quả, cây nhãn bị tổn thương rất lớn. Giai đoạn này cây yếu nhất, vì vậy, muốn tạo đà cho vụ sau thì việc đầu tiên gia đình tôi làm là tỉa cành, tạo tán, chăm sóc cây. Đây là công việc quan trọng để bảo đảm sự phục hồi và phát triển cho cây sau 5 - 6 tháng nuôi quả và tiếp sức cho cây ra vụ quả sau. Việc tạo tán, tỉa bớt cành gầm làm cho cây thưa cành, tán rụt lại không để vươn quá cao để phân hóa mầm nhanh, đồng thời tạo độ thông thoáng, giảm khả năng lưu trú của sâu bệnh. Công đoạn tỉa tán, bón phân phục hồi cho cây nhãn sau thu hoạch phải hoàn thành trước tháng 10 âm lịch để khống chế không cho cây nảy lộc đông. Bởi nếu nhãn nảy lộc vào mùa đông thì cây sẽ không thể có quả cho năm sau.
Nông dân xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) chăm sóc nhãn sau thu hoạch
Ông Phạm Đức Long, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã nông sản sạch Minh Bảo, xã Bình Kiều (Khoái Châu) cho biết: Với kinh nghiệm và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong thâm canh nhãn, các thành viên của hợp tác xã đã chủ động được việc ra hoa, đậu quả của cây nhãn. Nhờ vậy, hằng năm các diện tích trồng nhãn đều sai quả, chất lượng tốt. Giai đoạn sau thu hoạch, sức khỏe cây nhãn yếu nhất. Vì vậy, thời điểm này, tôi thuê 6 - 10 lao động tập trung cắt tỉa bớt cành yếu, cành mọc trong thân. Sau đó, tôi tiến hành vệ sinh vườn, bón phân để giúp cho cây nhãn phục hồi, tái tạo bộ rễ và phát triển mầm mới. Tôi kết hợp bón phân hữu cơ (sử dụng ngô, đỗ tương ngâm ủ, phân chuồng ủ hoai mục) và phân vô cơ (loại phân NPK chuyên sử dụng cho cây ăn quả) bón cho cây.
Chăm sóc nhãn cần thực hiện quanh năm, nhưng thời điểm nhãn sau thu hoạch phải được chú trọng hơn, nếu không được chăm bón kịp thời, vụ sau sẽ cho năng suất, chất lượng kém hoặc nhãn không ra quả. Để cây nhãn phục hồi, phát triển tốt, tạo tiền đề cho vụ nhãn năm sau, người trồng nhãn cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật như: Cắt tỉa, vệ sinh ruộng vườn tạo cho cây có bộ tán thông thoáng, giảm khả năng trú ngụ của sâu bệnh, tập trung dinh dưỡng nuôi cành lộc thu; loại bỏ các cành vô hiệu, cành gầm, cành vượt, cành sâu bệnh. Đối với các cây khỏe, ra nhiều lộc thu, chỉ để lại trên mỗi cành 1-2 lộc thu to, khỏe, còn lại cắt tỉa hết để tập trung dinh dưỡng nuôi lộc. Đối với những giống nhãn chín muộn, sau khi thu hoạch xong, nông dân tăng cường bón phân hữu cơ và phân NPK chuyên dùng cho cây ăn quả. Cùng với đó, nhà vườn thường xuyên theo dõi và phòng trừ sâu bệnh cho cây (lưu ý rệp, bọ xít...) để bảo vệ lộc thu và giảm mật độ sâu bệnh hại qua đông...
Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh, đối với cây nhãn trà sớm, nếu chưa chăm bón phải tiến hành bón phân bổ sung bằng các loại phân NPK tổng hợp lượng bón từ 1-2 kg/cây tùy theo độ tuổi, kết hợp với bón bổ sung thêm lân, phân chuồng hoai mục. Những diện tích nhãn thu hoạch chính vụ, đến nay cây bắt đầu phát triển lộc, khi thời tiết thuận lợi phải bón phân ngay bằng phân NPK tổng hợp, kết hợp với bón bổ sung thêm lân, phân chuồng hoai mục, lượng bón như trà sớm. Diện tích nhãn thu hoạch muộn, cây chưa hồi phục (phát triển mầm mới) bón thúc lộc thu bằng phân chuồng hoai mục, lượng bón 30-50 kg/cây, kết hợp với 1-2 kg phân NPK tổng hợp tùy theo tuổi cây. Trên những diện tích bị ảnh hưởng úng, ngập, ngoài việc sử dụng phân bón nêu trên có thể bón bổ sung thêm các loại phân bón vi sinh, phân bón qua lá có hàm lượng chất điều hòa sinh trưởng cao để cây nhanh hồi phục. Cuốc toàn bộ xung quanh tán cây trước khi bón để cây nhanh hấp thụ, tăng hiệu quả của phân bón, có thể đào rãnh rộng khoảng 30 cm, sâu 30-40 cm dọc theo hàng cây phía ngoài tán để tăng cường khả năng hấp thụ oxy, nhanh giải phóng khí độc trong đất.
Nguồn: https://baohungyen.vn