KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 05/12/2023 - Lượt xem: 1413
Chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa

Khai thác tiềm năng nguồn cỏ tự nhiên, nguồn thức ăn xanh dồi dào và phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, nông dân trong tỉnh đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc như: Trâu, bò. Qua đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành chăn nuôi.

Nuôi trâu, bò thịt nhốt chuồng tại HTX Tân Tuyến, xã Thiện Phiến (Tiên Lữ)
Nếu như trước đây, người dân chăn nuôi trâu, bò chủ yếu làm sức kéo thì nay đa phần để bán thịt. Theo một số hộ chăn nuôi trâu, bò, trung bình 1 con bê nuôi 12 - 14 tháng sẽ cho xuất bán với khối lượng trung bình từ 300kg/con trở lên, trừ các khoản chi phí thu lãi 8-10 triệu đồng/con. Với lợi nhuận đem lại, thời gian gần đây, nhiều hộ chăn nuôi trâu, bò đã mở rộng chuồng trại chăn nuôi, vì thế số lượng đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng hằng năm. Hiện nay, nông dân trong tỉnh đang chăn nuôi gần 37 nghìn con trâu, bò. Bò thịt chất lượng cao ngày càng chiếm số lượng lớn trong tổng đàn đại gia súc của tỉnh, đạt 42%. 11 tháng năm 2023, sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng tăng 5,4-6% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện nay, ngoài nuôi trâu, bò theo hình thức chăn thả, nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển sang nuôi nhốt chuồng, nuôi vỗ béo cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Đặng Đình Liễu, thôn La Tiến, xã Nguyên Hòa (Phù Cừ) cho biết: Gia đình tôi nuôi bò cách đây khoảng 20 năm, những năm trước tôi chỉ nuôi 2 – 3 con. Những năm gần đây, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của chính quyền địa phương và ngành chức năng, tôi đã mạnh dạn phát triển đàn bò của gia đình. Hiện tôi đang chăn nuôi 30 con trâu, bò, trong đó có 10 con bò sinh sản, 10 con bò thịt và 10 con trâu. Bên cạnh việc chăn thả, tôi trồng thêm cỏ voi để làm thức ăn cho đàn trâu, bò. Tôi xây dựng chuồng trại xa khu dân cư, bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông; bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi và tiêm phòng định kỳ, đầy đủ cho đàn trâu, bò. Nhờ đó, trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi trên 200 triệu đồng/năm.
Điểm mạnh của đại gia súc là sức đề kháng tự nhiên, chống chịu bệnh tốt hơn các gia súc, gia cầm khác. Trong môi trường chăn nuôi tốt, đầy đủ thức ăn, đại gia súc phát triển khỏe mạnh và cho sản lượng thịt gấp nhiều lần so với những vật nuôi như lợn, gà, vịt... Ngoài ra, chất lượng thịt, hàm lượng dinh dưỡng trong thịt bò, thịt trâu được đánh giá cao hơn, giá bán cũng đắt hơn. Nhiều năm trở lại đây, giá xuất bán bò thịt cơ bản ổn định, người chăn nuôi có lãi. Do đó, nhiều hộ dân đầu tư chuồng trại, mở rộng chăn nuôi theo hướng hàng hóa quy mô lớn. Tại HTX Tân Tuyến, xã Thiện Phiến (Tiên Lữ), với mô hình nuôi nhốt, xa khu dân cư, nhiều năm nay mô hình chăn nuôi của HTX đều cho lợi nhuận 800 triệu đồng-1 tỷ đồng/năm. Bà Đoàn Thị Tuyến, Giám đốc HTX cho biết: HTX duy trì nuôi 200 con trâu, bò, trong đó, 60 con bò sinh sản. HTX áp dụng phương pháp  thụ tinh nhân tạo để chủ động giống nuôi và chất lượng giống. Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò, HTX thuê thêm 7 mẫu đất để trồng cỏ voi. Bên cạnh đó, HTX chú trọng công tác tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại bảo đảm. Với phương pháp nuôi gối, HTX có trâu, bò thương phẩm xuất bán quanh năm.
Để hỗ trợ người chăn nuôi phát triển đàn đại gia súc, ngành chức năng thường xuyên phối hợp mở các lớp tập huấn, hướng dẫn các hộ chăn nuôi kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh, trang bị đầy đủ kiến thức để người dân áp dụng vào việc chăn nuôi tại gia đình; tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí tiêm phòng cho đàn trâu, bò định kỳ 2 lần/năm. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 52.000 liều vắc xin tụ huyết trùng, 30.000 liều vắc xin viêm da nổi cục để tiêm phòng cho đàn trâu, bò. Các chương trình, dự án hỗ trợ chăn nuôi của tỉnh ngày càng quan tâm tới hỗ trợ phát triển đàn bò chất lượng cao, hỗ trợ cải tạo giống, chuyển giao kỹ thuật, chuyển hướng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và cơ sở chế biến để bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm và tạo ra thương hiệu bò thịt của địa phương…
Chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa đã và đang là hướng phát triển kinh tế bền vững, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Do đó, để chăn nuôi đại gia súc phát triển bền vững, ngành chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi đại gia súc trong tỉnh, nhất là nuôi bò thịt chất lượng cao cần chủ động sản xuất theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để phát triển chăn nuôi bền vững, tạo ra sản lượng thịt bò có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần tái cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan