KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 01/11/2023 - Lượt xem: 457
Công bố bộ chỉ số FTA Index về thực hiện hiệp định tự do thương mại

Theo đại diện Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, dự kiến cuối năm nay có thể công bố được một bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các hiệp định thương mại tự do tại các tỉnh, thành và địa phương.


Các FTA đã giúp hàng hóa của Việt Nam phủ sóng khắp các châu lúc. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Việc tham gia nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới đã mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tăng trưởng và đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, mang lại những tác động tích cực đối với phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trên cả nước, nhất là thúc đẩy tăng trưởng giá trị thương mại.
Dù vậy, đánh giá của nhiều chuyên gia cho thấy, Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn để khai thác hiệu quả hơn nữa các thị trường này. Bởi, mức độ quan tâm tới triển khai các FTA của mỗi địa phương vẫn chưa đồng đều, chưa tạo được những đột phá cho các doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ FTA.
Thêm vào đó, các hoạt động triển khai chưa có tính liên tục, kết nối và lâu dài để tạo hiệu ứng và hiệu quả bền vững. Điều đó đòi hỏi cần có những những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa từ các cơ quan quản lý thực thi FTA của Trung ương và địa phương cũng như những đột phá trong tư duy hành động để có thể gia tăng hơn nữa cơ hội từ các hiệp định này mang lại.
Còn rất nhiều cơ hội chưa tận dụng hết
Tại Hội nghị ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức mới đây đã đánh giá quá trình thực thi các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thời gian qua có những tác động tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, đặc biệt thúc đẩy tăng trưởng giá trị thương mại.
[Nâng tầm doanh nghiệp để tham gia chuỗi giá trị]
Đơn cử, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều của 5 thành phố trực thuộc Trung ương với các nước trong FTA giai đoạn 2021-2022 ước đạt hơn 449 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu ước đạt 189,5 tỷ USD và nhập khẩu ước đạt 259,4 tỷ USD.
Riêng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong hai năm 2021-2022, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa 5 thành phố với các nước CPTPP đạt 79,751 tỷ USD. Với Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA), doanh nghiệp 5 thành phố đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 14,179 tỷ USD tới các nước EU.
Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương về tình hình thực hiện các Hiệp định Hiệp định CPTPP, Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mạii Việt Nam-Anh (UKVFTA) cũng cho thấy cái nhìn tổng quan hơn, theo đó, năm 2022 có 52/63 tỉnh, thành phố có hoạt động xuất khẩu với các nước CPTPP, tăng 11 địa phương so với năm 2021.
Đối với các nước EVFTA, có 49/63 địa phương có hoạt động xuất khẩu với khu vực này, tăng 11 địa phương so với năm 2021. Tương tự, năm 2022 có 44/63 tỉnh, thành phố có hoạt động xuất khẩu với Vương quốc Anh theo Hiệp định UKVFTA, tăng 13 địa phương so với năm 2021.
Mặc dù xuất khẩu sang thị trường các FTA tăng trưởng tích cực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương, tuy nhiên ghi nhận thực tế cho thấy, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các FTA chưa đạt như kỳ vọng. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi C/O ưu đãi chưa cao. Số lượng doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sang các thị trường FTA vẫn khiêm tốn.
Đáng chú ý, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực vẫn được triển khai tại các địa phương nhưng phần lớn các hoạt động này chủ yếu được thực hiện trong khuôn khổ chính sách phát triển chung của tỉnh, không phải dành riêng cho việc thực thi FTA nào đó. Điều này dẫn đến hoạt động hỗ trợ mang tính dàn trải, chưa có điều kiện tập trung vào các lĩnh vực hoặc ngành hàng có thế mạnh của tỉnh và có cơ hội tiếp cận thị trường từ các FTA.
Kết nối các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Chia sẻ tại Tọa đàm “Trợ lực cho các địa phương, gia tăng hiệu quả thực thi FTA” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 31/10, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế Tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nêu thực tế, bên cạnh việc nhiều địa phương chủ động trao đổi với cơ quan chức năng và chuyên gia để có thể hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thực thi các FTA, nhưng ở nơi khác, nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm làm thế nào để tháo gỡ được những khó khăn trước mắt, trong khi có ý kiến cho rằng, những hiệp định như: EVFTA hay CPTPP có thể là một thứ gì đó rất xa vời với họ.
Dẫn ví dụ như quy định chống phá rừng của EU, theo đại diện CIEM, rất nhiều ý kiến đánh giá quy định này còn trái chiều, có nơi thì cho rằng chưa ảnh hưởng nhiều lắm, những cũng có ý kiến đánh giá ảnh hưởng rất nhiều và doanh nghiệp phải quan tâm càng sớm càng tốt.
“Hiện chưa có một nghiên cứu hay báo cáo chính thức nào về vấn đề này có thể công khai cho cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương. Đấy cũng là một điều ảnh hưởng rất khác biệt với các địa phương,” ông Nguyễn Anh Dương nêu ý kiến.
Cùng nội dung này, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam nhìn nhận, ở khu khu vực phía Nam, địa phương có khu công nghiệp tập trung quy mô thì nơi đó có cách tiếp cận về đào tạo, hướng dẫn cho doanh nghiệp những quy định mới trong EVFTA, CPTPP, RCEP, kể cả trong xuất khẩu cũng như kết nối thị trường mạnh mẽ và có bài bản hơn là những địa phương có ít khu công nghiệp hoặc là vùng sâu, vùng xa hẻo lánh nơi mà số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ít.
“Cũng khó có thể gọi là dàn đồng đều, song, những địa phương đã có cộng đồng doanh nghiệp khá đông đảo thì chúng tôi mong muốn có một sự quan tâm hơn của chính quyền tới doanh nghiệp,” bà Đỗ Thị Thúy Hương bầy tỏ.
Thông qua FTA Index để đánh giá hiệu quả hội nhập
Theo thống kê của Bộ Công Thương, thời gian vừa qua, trung bình một ngày có khoảng một hội nghị, hội thảo diễn ra để tuyên truyền về các FTA. Dù vậy, độ sâu của các hoạt động tuyên truyền vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Nguyên nhân theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), mục đích cơ quan chức năng muốn tuyên truyền và hướng đến những người chủ doanh nghiệp, những người có quyền quyết định, nhưng thực tế nhiều hội nghị, hội thảo không có đại diện của lãnh đạo doanh nghiệp tham dự.
Mặt khác, nhân lực nhiều nơi còn hạn chế, có nơi chỉ một cán bộ phụ trách và làm tất cả các công việc, từ hội nhập, đến logistics… Trong khi đó, nhiều địa phương chưa có một chương trình hỗ trợ cụ thể cho từng ngành nghề, hay những mặt hàng chủ lực, để lĩnh vực có thể tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các FTA mang lại.
Từ những tổn tại trên, ông Ngô Chung Khanh cho biết mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đồng ý giao Bộ Công Thương xây dựng một kế hoạch tuyên truyền tổng thể, lấy ý kiến các bộ, ngành, phối hợp với các địa phương để định vị được thời gian tới sẽ tuyên truyền những gì và các bộ, ngành, các địa phương sẽ cùng phối hợp với nhau để không bị chồng chéo, đi sâu vào những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng định hướng, xây dựng sự kết nối về hệ sinh thái của các mặt hàng và giữa các tỉnh có cùng mặt hàng chiến lược, đồng thời, tập trung xây dựng các khóa đào tạo chuyên gia về FTA, xây dựng các chương trình đào tạo với các trường đại học nhằm tạo nguồn cho các doanh nghiệp, cho cơ quan quản lý trong thời gian tới…
 
Đặc biệt, theo ông Khanh, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng FTA Index, dự kiến cuối năm nay, có thể công bố được một bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện FTA tại các tỉnh, thành và địa phương.
“Chúng tôi hy vọng rằng với tư duy tương tự như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI thì FTA Index giúp cho các tỉnh quan tâm hơn, chú ý trọng nhiều hơn đến việc tận dụng hiệu quả các FTA và đấy là những định hướng lớn mà Bộ Công Thương đã báo cáo, Chính phủ và Chính phủ cũng đồng ý giao triển khai trong thời gian tới,” ông Ngô Chung Khanh chia sẻ thêm.
Đánh giá cao nỗ lực và sáng kiến trong việc triển khai FTA Index, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, khi làm và công bố được các số liệu này một cách định kỳ sẽ giúp các địa phương có mục tiêu để phấn đấu và làm tốt hơn cũng như có những chỉ số thành phần giúp cho các địa phương biết là mình làm tốt phần này hoặc chưa làm tốt phần kia, qua đó cải thiện những tồn tại.
“Với chỉ số như vậy cũng tạo ra một văn hóa để các địa phương nhìn nhận rằng mình không phải chỉ là làm cho xong việc mà mình phải làm vì lợi ích của doanh nghiệp, vì lợi ích của nền kinh tế gắn với những con số cụ thể là xuất khẩu được bao nhiêu, mặt hàng xuất khẩu được bao nhiêu thị trường và mức độ tận dụng các hiệp định thương mại tự do là như thế nào,” đại diện CIEM nêu ý kiến./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn
Tin liên quan