KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 18/06/2024 - Lượt xem: 192
Giải báo chí Phật giáo lần thứ Nhất: Cổ vũ những tấm gương “tốt đạo, đẹp đời”

Ban Tổ chức khuyến khích các tác phẩm phản ánh đa chiều, khách quan về Phật giáo, từ các khía cạnh lịch sử, triết học, đến các hoạt động xã hội và từ thiện.

Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt lãnh đạo các tổ chức tôn giáo ngày 13/6/2024. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Ngày 18/6, Ban Thông tin-Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam công bố Giải báo chí “Tuyên truyền lối sống Tốt đạo-Đẹp đời, Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc” lần thứ Nhất-năm 2024.

Giải thưởng nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của tập thể, cá nhân, đội ngũ những người làm báo đối với công tác Phật giáo.

Giải thưởng cũng góp phần giới thiệu, quảng bá những kết quả, thành tựu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cộng đồng tăng, ni, Phật tử trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, phát hiện những tấm gương tiêu biểu cho lối sống “tốt đạo, đẹp đời,” qua đó, cổ vũ, động viên các tăng ni, Phật tử chung sức, đồng lòng tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa đối với sự nghiệp phát triển Phật giáo.

Giải thưởng tạo điều kiện để các nhà báo được trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, báo chí đối với lĩnh vực tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng.

Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu tại họp báo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đây là hoạt động phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với hoạt động báo chí; phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Cụ thể, các tác phẩm sẽ phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng, phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan, góp phần hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc, lên án mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước.

Ban Giám khảo sẽ xét chọn, trao giải cho các tác phẩm báo chí có chất lượng cao viết về Phật giáo với nội dung và hình thức hấp dẫn, mang lại hiệu ứng xã hội rộng lớn, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Nhà báo Lê Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, thành viên Ban Giám khảo cho hay các tác phẩm gửi dự thi có chủ đề tập trung vào việc tuyên truyền lối sống lành mạnh và hòa bình theo tinh thần Phật giáo. Tác phẩm tuyên truyền bảo vệ xây dựng tổ quốc gắn với đời sống đạo giáo lành mạnh, gắn kết khối đại đoàn kết dân tộc. Các đề tài có thể bao gồm các câu chuyện về đời sống và công việc của tăng ni, Phật tử, bài học từ các kinh điển Phật giáo, hoặc những hoạt động từ thiện và hỗ trợ cộng đồng được tổ chức bởi các tăng ni, Phật tử.

Về thể lệ, quy chế dự giải, nhà báo Lê Nghiêm nêu rõ: “Các tác phẩm đề cập đến những vụ việc tiêu cực, mê tín, dị đoan đi ngược với giáo lý Phật giáo, phải được các cơ quan có thẩm quyền kết luận là đúng sự thật hoặc đã được các tổ chức, cá nhân sai phạm thừa nhận và sửa chữa, khắc phục, được các cơ quan chức năng kết luận rõ ràng, đúng quy định.”

Nhà báo Lê Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, thành viên Ban Giám khảo chia sẻ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ban Tổ chức khuyến khích các tác phẩm phản ánh đa chiều, khách quan về Phật giáo, từ các khía cạnh lịch sử, triết học, đến các hoạt động xã hội và từ thiện, đảm bảo một cái nhìn toàn diện, sâu sắc, chuẩn mực về Phật giáo nói chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng là tổ chức đại diện từ năm 1981 đến nay.

Các tác phẩm cần thể hiện giá trị từ bi, vô ngã, vị tha và các đóng góp của Phật giáo cho sự tiến bộ cho xã hội, đất nước con người Việt Nam và cho nhân loại./.

Tác giả tham gia dự thi là công dân Việt Nam có tác phẩm báo chí viết về lĩnh vực Phật giáo được đăng tải, phát sóng trên các cơ quan báo chí được cấp phép trong thời gian từ ngày 1/1/2024 đến ngày 31/12/2024. Tác giả là người nước ngoài có tác phẩm báo chí viết bằng tiếng Việt hoặc viết bằng tiếng nước ngoài được dịch sang tiếng Việt đều có quyền gửi bài tham dự.

Ban Tổ chức nhận tác phẩm từ ngày 18/6/2024 đến hết ngày 5/1/2025. Dự kiến thời gian chấm giải vào tháng 1/2025; trao giải vào quý I năm 2025.

Về cơ cấu giải thưởng, có 5 mức giải cá nhân: Giải Đặc biệt, giải Nhất, giải Nhì, giải Ba và giải Khuyến khích được trao cho 5 loại hình báo chí: Báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình và báo ảnh.

Giải đặc biệt giá trị 50 triệu đồng; 5 giải Nhất, mỗi giải 20 triệu đồng; 5 giải Nhì, mỗi giải 15 triệu đồng; 5 giải Ba, mỗi giải 10 triệu đồng; 10 giải Khuyến khích, mỗi giải 5 triệu đồng. Căn cứ trên số lượng và chất lượng tác phẩm tham dự, Ban Tổ chức sẽ quyết định về giải thưởng mỗi loại hình và đưa ra các giải phụ, ngoài ra, có 1 giải tập thể được trao cho đơn vị có nhiều tác phẩm tham gia đạt chất lượng cao, với giá trị 20 triệu đồng.

Tác phẩm gửi theo đường bưu điện, hoặc nộp trực tiếp tại Ban Thông tin-Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phòng 221, Chùa Quán Sứ, 73 Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tác phẩm gửi theo hình thức trực tuyến tại địa chỉ giaibaochiphatgiao2024@gmail.com.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn

Tin liên quan