KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Quốc phòng - An Ninh
Đăng ngày: 02/09/2023 - Lượt xem: 427
Giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ thành quả cách mạng

Ra đời trong khí thế sục sôi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với Công an nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối và trực tiếp của Tỉnh ủy, lực lượng Công an tỉnh đã sát cánh cùng Nhân dân đứng lên giành chính quyền ở khắp các địa bàn trong tỉnh vào mùa thu lịch sử năm 1945, đồng thời tập trung lực lượng để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ thành quả cách mạng.

Lực lượng Cảnh sát cơ động (Công an tỉnh) tham gia diễn tập xử trí tình huống A2
Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi vừa mới ra đời đã phải đương đầu với những khó khăn, thách thức nghiêm trọng. Từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9/1945, nhiều lực lượng mang danh nghĩa Đồng minh vào Việt Nam thực hiện giải giáp quân Nhật, chúng có chung mục tiêu chống phá cách mạng Việt Nam. Cũng như cả nước, ở Hưng Yên, chính quyền cách mạng vừa mới ra đời đã phải đương đầu với vô vàn khó khăn; trong đó khó khăn lớn nhất là hàng nghìn quân Tưởng với danh nghĩa Đồng minh lũ lượt kéo vào đóng ở một số nơi thuộc thị xã Hưng Yên và các huyện. Chúng sách nhiễu chính quyền, Nhân dân ta về việc ăn, ở, đi lại, ngấm ngầm câu kết, tụ tập các đảng phái phản động, nhất là bọn Việt Quốc đứng đầu là Tổng An (Phù Cừ) âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng. Cùng với những hành động ngang ngược của binh lính Tưởng, bọn tay sai phản động dựa vào quân Tưởng công khai hoạt động quấy rối. Ở thị xã Hưng Yên và các huyện: Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ, chúng ngang nhiên lập trụ sở, dùng truyền đơn, loa phóng thanh tuyên truyền cho cái gọi là “Cách mạng hải ngoại”, “Cách mạng quốc gia”, nói xấu chính quyền cách mạng, nói xấu Việt Minh. Với luận điệu “Đoàn kết các đảng phái”, ở các huyện: Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ và thị xã Hưng Yên… chúng đã móc nối nhau, tụ tập để chống phá chính quyền cách mạng.
Trước bối cảnh chính quyền cách mạng của tỉnh phải đối phó với thù trong, giặc ngoài đã đặt ra nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng Công an tỉnh lúc này là bảo vệ, giữ vững chính quyền và bài trừ nội phản. Do đó, Công an tỉnh gấp rút xây dựng lực lượng về mọi mặt để phục vụ công tác, chiến đấu, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong tỉnh. Theo cuốn lịch sử Công an nhân dân Hưng Yên tập 1 (1945-1975), Tỉnh ủy Hưng Yên đã chỉ đạo Ty Liêm phóng (tháng 4/1946 sáp nhập với Ty Cảnh sát Hưng Yên thành Ty Công an Hưng Yên) do đồng chí Nguyễn Văn Quý chỉ huy, gấp rút xây dựng lực lượng, tuyển chọn những đoàn viên, thanh niên ưu tú, những quần chúng tích cực bổ sung vào Ty Liêm phóng. Bên cạnh xây dựng Ty Liêm phóng, Tỉnh ủy cũng tăng cường xây dựng lực lượng cảnh sát. Ngoài số cảnh sát lưu dụng, chính quyền cách mạng cũng tuyển thêm người bổ sung cho lực lượng này và điều động đồng chí Đạt Nam làm Trưởng ty. Lực lượng Liêm phóng cùng các lực lượng vũ trang khác thực hiện nhiệm vụ bắt và trấn áp những tên cầm đầu các đảng phái phản động, những quan lại, tay sai của Pháp và phát xít Nhật có nhiều tội ác, kịp thời thu giữ, bảo quản hồ sơ, tài liệu. Cùng với những hoạt động trấn áp phản cách mạng, lực lượng Liêm phóng và tự vệ chiến đấu, công nhân cứu quốc, thanh niên cứu quốc đã bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ lâm thời, các đồng chí cán bộ lãnh đạo của tỉnh...
Để giữ vững chính quyền cách mạng, thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, Đảng, Chính phủ quyết định lấy ngày 6/1/1946 là ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên trong cả nước. Tại một số nơi trong tỉnh, quân Tưởng và bọn tay sai có âm mưu phá hoại, tìm cách tẩy chay cuộc bầu cử. Lực lượng Liêm phóng Hưng Yên  đã vạch kế hoạch cụ thể, bố trí trinh sát và cảnh sát bảo vệ các hòm phiếu, phát hiện và ngăn chặn kịp thời  âm mưu phá hoại của bọn phản động. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên ở Hưng Yên đã được bảo vệ tuyệt đối an toàn. Sau khi bầu cử đại biểu Quốc hội, ngày 26/4/1946, Nhân dân Hưng Yên cùng cả nước tiếp tục bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Lực lượng Công an Hưng Yên đã bảo vệ an toàn tuyệt đối cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp ở địa phương.
Sau khi thành lập Ty Công an Hưng Yên, cuối tháng 4/1946, Chi bộ đảng của Ty cũng được thành lập nhằm phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong quần chúng ở các đơn vị; tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, dựa vào đoàn thể Cứu quốc để giáo dục lòng yêu nước, chí căm thù địch, quyết hoàn thành nhiệm vụ được giao. Với quyết tâm vừa chiến đấu, vừa xây dựng, vừa học, vừa làm, Công an Hưng Yên trong đấu tranh đã biết kế thừa những kinh nghiệm quý báu, phát huy tinh thần mạng, phối hợp với các lực lượng khác để hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng giao, trấn áp phản động cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng và tài sản của Nhân dân.
 Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh, Công an tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, chế độ dân chủ nhân dân, giữ vững ổn định chính trị. Lực lượng công an mới ra đời, quân số ít, nghiệp vụ còn hạn chế nhưng với tinh thần chiến đấu kiên cường lại được Nhân dân hết lòng đùm bọc, giúp đỡ nên đã sớm khẳng định là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh chống phản cách mạng ở địa phương. Lực lượng Công an tỉnh đã anh dũng tiến công, tiêu diệt, vây hãm địch, bảo vệ an toàn các cơ quan chính quyền, đoàn thể, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng Công an tỉnh đã sát cánh cùng với toàn quân và toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan