Cùng với kỹ thuật trồng, chăm sóc, công đoạn tưới nước là một trong các khâu quan trọng để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Tưới đúng, tưới đủ nước theo yêu cầu kỹ thuật đối với từng loại cây trồng sẽ hạn chế sâu bệnh hại, giảm lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra các sản phẩm an toàn, năng suất và hiệu quả cao. Do vậy, việc tính toán để lựa chọn thiết bị hệ thống tưới đáp ứng nhu cầu về nước đối với từng loại cây trồng, phù hợp điều kiện kinh tế, kỹ thuật và cho hiệu quả cao là nhu cầu cần thiết trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Mô hình trồng cây ăn quả áp dụng tưới phun tự động tại xã Nguyên Hoà (Phù Cừ)
Toàn tỉnh hiện nay có 15 nghìn héc-ta chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, gồm các loại cây ăn quả chủ lực như nhãn, vải, cây có múi, chuối… Nhiều mô hình trồng cây ăn quả đã khẳng định được hướng phát triển bền vững, cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, khâu tưới nước cho cây ăn quả vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp thủ công, tốn nhiều công chăm sóc, hiệu quả chưa cao. Để từng bước nâng cao hiệu quả tưới nước cho cây trồng, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện mô hình tưới phun tự động cho cây ăn quả với diện tích 12 héc-ta tại các huyện Phù Cừ, Tiên Lữ, Kim Động.
Để mô hình đạt kết quả cao, Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật tiến hành khảo sát chọn điểm, chọn hộ tham gia mô hình dựa vào tiêu chí của mô hình 1 hộ/điểm, 1-5 héc-ta/điểm, tiện đường giao thông, có đủ điều kiện về kinh tế, có kiến thức về kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất… Đồng thời, Trung tâm thực hiện tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ điểm triển khai xây dựng hệ thống tưới theo các hạng mục và thiết kế, gồm máy bơm tạo nguồn, máy bơm áp lực, dây điện, đường ống dẫn nguồn nước, bể nước, hầm máy bơm, bê tông để cọc vòi phun, vòi phun, đường ống nhánh.
Ông Đặng Thành Nhơn, xã Nguyên Hòa (Phù Cừ) cho biết: Trước đây, việc tưới nước cho cây tốn nhiều sức lao động và mất nhiều thời gian. Năm nay, tôi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh lựa chọn là hộ đủ điều kiện tham gia mô hình tưới phun tự động. Sử dụng phương pháp này chỉ cần bật nguồn điện là hệ thống tự chạy, giúp tiết kiệm nước, tiết kiệm công sức, thời gian. Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật sử dụng, vận hành hệ thống tưới và kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây cam. Nhờ áp dụng phương pháp này, năng suất cam của gia đình tôi năm nay cao hơn mọi năm khoảng 10%, mã quả đẹp, to và đồng đều hơn.
Mô hình tưới phun tự động cho cây ăn quả được áp dụng đã khẳng định được những ưu điểm như: Cây trồng được cung cấp nước đầy đủ và kịp thời vào các giai đoạn quan trọng nên cây sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh hại; năng suất, chất lượng, mẫu mã quả đẹp hơn so với ngoài mô hình, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Dự kiến năng suất cây ăn quả tăng khoảng 10-15% so với trước khi sử dụng phương pháp tưới phun tự động. Ngoài ra, mô hình là tiền đề để các đơn vị chuyên môn trong tỉnh xây dựng quy trình kỹ thuật trồng cây ăn quả và các cây trồng khác theo hướng công nghệ cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh. Mô hình còn là điểm để cán bộ nông nghiệp, nông dân tham quan, học hỏi nhằm nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hệ thống tưới phun tự động đáp ứng đủ và kịp thời độ ẩm cho cây trồng phát triển tốt; hệ thống giúp tiết kiệm nước, tạo điều kiện cho cây trồng hấp thụ dinh dưỡng, không gây rửa trôi, thoái hóa đất, không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm sức lao động và chi phí nhân công, có thể kết hợp với bón phân cho cây trồng.
Nguồn: https://baohungyen.vn