MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI – MỪNG ĐẢNG QUANG VINH – MỪNG XUÂN ẤT TỴ 2025
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 10/02/2025 - Lượt xem: 19
Hưng Yên: Số ca mắc bệnh sởi có xu hướng gia tăng

Thời gian này, bệnh sởi đang có chiều hướng bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước. Sởi có tốc độ lây lan nhanh và nhiều biến chứng. Tại tỉnh Hưng Yên, số ca mắc bệnh sởi có xu hướng gia tăng. Vì vậy, cần chủ động tiêm chủng vắc xin và phát hiện sớm các triệu chứng nghi sởi để phòng ngừa và điều trị bệnh sởi hiệu quả.


Thăm khám cho trẻ mắc sởi tại Bệnh viện Sản - Nhi Hưng Yên

Trong khoảng 30 ca bệnh sởi điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi Hưng Yên trong 2 tháng trở lại đây chủ yếu là trẻ dưới 2 tuổi. Ðây là những ca bệnh đã được xét nghiệm khẳng định, ngoài ra còn nhiều ca nghi ngờ. Ðáng lưu ý là hầu hết các trường hợp mắc sởi chưa tiêm chủng/chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh sởi hoặc chưa đến độ tuổi tiêm chủng vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng (dưới 9 tháng tuổi). Bé Nguyễn Ðăng Minh Q. 13 tháng tuổi có biểu hiện sốt nhẹ, mệt, đã được người nhà đưa vào Bệnh viện Sản - Nhi Hưng Yên ngày 30/1, được xét nghiệm chẩn đoán mắc sởi. Người nhà bé Q. cho biết, Q. chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi do bị ốm đúng lịch tiêm. Tương tự như bé Q., bệnh nhi Trần Trung Th. 10 tháng tuổi, vào thời điểm đến lịch tiêm phòng, bé Th. bị ốm nên chưa kịp tiêm vắc xin phòng sởi.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung, Khoa Nội nhi 2 (Bệnh viện Sản - Nhi Hưng Yên) cho biết, khoảng 90% số bệnh nhân sởi biến chứng viêm đường hô hấp như: Viêm thanh quản, viêm phổi. Trong số những ca bệnh nặng, có 2 ca biến chứng viêm phổi nặng sau sởi phải chuyển tuyến trung ương. Ðối tượng dễ mắc sởi là trẻ nhỏ chưa tiêm vắc xin phòng sởi, chưa tiêm đủ mũi, trẻ mắc bệnh lý nền, sức đề kháng yếu, suy dinh dưỡng…

Bệnh sởi có triệu chứng giống một số bệnh khác nên dễ bị nhầm lẫn, đặc biệt với bệnh sốt phát ban và viêm đường hô hấp. Người nhà bệnh nhân cần nhận biết những triệu chứng điển hình của bệnh sởi để đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Người mắc sởi sốt cao, đáp ứng kém thuốc hạ sốt, nổi ban lần lượt từ đầu đến chân, sau nổi ban 2 đến 3 ngày mới cắt sốt; có hiện tượng mắt đỏ do viêm kết mạc; trẻ thường mệt mỏi; có trường hợp bị co giật do sốt cao. Tuy nhiên, có trường hợp không phát ban nên dễ bị nhầm sốt vi rút, viêm đường hô hấp. Bệnh sởi không có phác đồ điều trị đặc hiệu mà điều trị các triệu chứng và biến chứng như uống thuốc hạ sốt, bù đủ nước, uống vitamin A liều cao chống viêm kết mạc, điều trị viêm đường hô hấp. Thông thường, bệnh nhân sẽ khỏi bệnh sau một tuần điều trị. Ngược lại, bệnh nhân sốt phát ban có triệu chứng sốt cao, khi ban mọc lên là cắt sốt.

Số ca mắc sởi ở các địa phương trong tỉnh hiện nay đang được theo dõi là 30 ca. Chưa ghi nhận ổ dịch hay chùm ca bệnh. Tuy nhiên, nhận định số ca mắc thực tế còn cao hơn, bởi có bệnh nhân đến phòng khám tư nhân, mua thuốc tự điều trị tại nhà. Ðiều này dễ dẫn đến nguy cơ lây lan, bùng phát dịch do không được kiểm soát chặt chẽ, trong khi đó bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp, người lành hít phải dịch tiết mũi họng của người bệnh khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi, xì mũi, khạc đờm… Người bệnh chưa xuất hiện triệu chứng, còn đang trong giai đoạn ủ bệnh vẫn có nguy cơ gây lây nhiễm qua giọt bắn trong không khí.

Thời tiết mùa đông xuân nồm ẩm càng khiến vi rút, vi khuẩn phát triển mạnh. Ðây là tác nhân khiến bệnh truyền nhiễm gia tăng, trong đó có bệnh sởi. Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, một trong những cách phòng bệnh sởi đơn giản, hiệu quả là tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thường xuyên, đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc môi trường công cộng, trước và sau khi ăn, đi vệ sinh để giúp loại bỏ vi rút khỏi tay và ngăn ngừa việc lây lan qua tiếp xúc. Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng, sức đề kháng.

Khi ho hoặc hắt hơi, các giọt dịch từ đường hô hấp chứa vi rút có thể phát tán ra môi trường xung quanh và lây nhiễm cho người khác. Vì vậy, người bệnh nên sử dụng khăn giấy để che miệng và mũi khi ho, hắt hơi nhằm ngăn chặn sự lây lan và phát tán của vi rút. Sau khi sử dụng, khăn giấy cần được vứt bỏ ngay vào thùng rác kín và rửa tay sạch sẽ để bảo đảm an toàn. Tránh tiếp xúc với người bệnh vì bệnh sởi có khả năng lây lan rất cao, vì vậy ngay khi phát hiện có ca mắc sởi, cần cách ly bệnh nhân, hạn chế tiếp xúc đến 4 ngày sau khi phát ban. Hạn chế đến những khu vực đông người khi có dịch để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm vi rút sởi trong cộng đồng. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ thường xuyên, bảo đảm luôn thoáng khí. Mỗi người cần chủ động lau chùi, khử trùng các bề mặt thường xuyên tiếp xúc như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, bàn ghế, đồ chơi trẻ em để loại bỏ vi rút bám vào các vật dụng này. Tại trường học, cần cho trẻ mắc sởi nghỉ học để tránh lây cho trẻ khác; lau bàn, ghế, đồ dùng, đồ chơi bằng dung dịch sát khuẩn. Ngành y tế tổ chức rà soát để tiêm bù cho trẻ lỡ tiêm; các gia đình cho trẻ đi tiêm vắc xin phòng sởi đầy đủ, đúng lịch các mũi tiêm.

Nguồn: https://baohungyen.vn/

Tin liên quan