KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024); KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024); KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 01/07/2024 - Lượt xem: 31
Lợi nhuận trên 500 triệu đồng/năm từ chế biến hạt sen

Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông Hà Văn Tuấn, xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên) nhận thấy sen Hưng Yên có vị bùi, bở đặc trưng nhưng chưa được khách hàng biết đến nhiều, ông Tuấn đã thu gom hạt sen của các hộ trồng sen quanh khu vực, thuê thợ chế biến, sấy khô và mang đi giới thiệu sản phẩm ở các tỉnh, thành phố lân cận. Sau khi được khách hàng đánh giá cao về chất lượng, ông Tuấn lại trăn trở bài toán nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để đáp ứng thị trường. Ông Tuấn cho biết: Trước đây, các công đoạn từ chặt hạt, bóc vỏ lụa, xuyên tâm… đều làm thủ công. Mỗi thợ lành nghề chỉ có thể chặt được 10kg sen đen/ngày. Chưa kể, vụ thu hoạch, chế biến hạt sen trùng với lịch gieo cấy, thu hoạch nhãn nên khó khăn trong việc chủ động sản phẩm làm ra, ảnh hưởng đến thời gian giao hàng.
Từ thực tế đó, ông Tuấn đã nghiên cứu để đưa thiết bị cơ giới vào phục vụ từng công đoạn trong quá trình sản xuất, từ khâu chặt hạt, đếm hạt, phân loại màu, chà trắng đến thông tâm sen. Sau công đoạn chà trắng, hạt sen sẽ được đưa vào lò sấy điện thay vì sấy than như trước đây để bảo đảm chất lượng sản phẩm, an toàn đối với người sử dụng. Khi thiết bị cơ giới được áp dụng vào sản xuất, năng suất lao động tăng từ 4 đến 5 lần so với làm thủ công. Hiện nay, hạt sen của gia đình ông được bán với giá từ 100 đến 150 nghìn đồng/kg.
Không chỉ tiêu thụ hạt sen ở trong nước, ông Tuấn còn liên kết với các xưởng sản xuất, hợp tác xã trồng sen trong tỉnh thu mua, chế biến và xuất bán hạt sen sang thị trường Trung Quốc. Trung bình, xưởng sản xuất của gia đình ông tiêu thụ gần 100 tấn hạt sen/năm. Với hơn 30 năm tìm kiếm thị trường tiêu thụ và phát triển sản phẩm hạt sen Hưng Yên, đến nay ông Tuấn đã xây dựng được thị trường tiêu thụ ổn định với lợi nhuận trung bình đạt trên 500 triệu đồng/năm.
Hiện nay, ông Tuấn đã liên kết mở rộng vùng nguyên liệu trồng sen ở một số địa phương trong tỉnh và dự kiến chế biến thêm nhiều sản phẩm ăn liền từ hạt sen để đa dạng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản địa phương.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan