Ngày 28/11, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản liên quan.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên
Các đại biểu dự hội nghị được phổ biến, quán triệt chuyên đề “Nội dung cơ bản của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”, qua đó làm rõ sự cần thiết ban hành Luật; mục đích, quan điểm trong thực hiện Luật; những nội dung cơ bản và điểm mới của Luật. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 10/11/2022, tại kỳ họp thứ tư, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2023. Luật gồm 6 chương, 91 điều, 348 khoản, trong đó quy định chi tiết, cụ thể về: Những quy định chung; thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị; thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động; tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; các điều, khoản thi hành. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ra đời nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về thực hành dân chủ ở cơ sở, đồng thời khắc phục hạn chế, bất cập của các Pháp lệnh, nghị định liên quan trước đây. Trong đó quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; cụ thể hóa đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”...
Tại hội nghị, các đại biểu được phổ biến, quán triệt các chuyên đề: Nội dung cơ bản của Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; nội dung cơ bản của Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ quy định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.
Nguồn: https://baohungyen.vn