Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được các cấp công đoàn trong tỉnh triển khai đã thu hút động đảo công nhân, viên chức, lao động (CNVCLÐ) tham gia, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua yêu nước, tính năng động, sáng tạo, vượt khó đưa hoạt động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngày càng phát triển.

Thi đua lao động sản xuất tại Công ty TNHH Hitachi Astemo Hưng Yên (Yên Mỹ)
Công ty TNHH Global Sourcenet (Văn Lâm) là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc đang tạo việc làm cho hơn 1 nghìn người lao động. Công đoàn công ty đã phối hợp với Ban Giám đốc công ty xây dựng kế hoạch, quy chế thi đua - khen thưởng, tổ chức phát động phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, thu hút nhiều lao động tham gia.
Anh Trần Thanh Tư, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: Ngoài việc bảo đảm các chế độ lương, thưởng, chế độ chính sách, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội giúp người lao động yên tâm làm việc, doanh nghiệp và công đoàn doanh nghiệp đã tạo điều kiện về thời gian, nguyên liệu, máy móc để người lao động hiện thực hóa sáng kiến; có chế độ khen thưởng kịp thời từ 300 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/sáng kiến nhằm động viên, khích lệ người lao động, nhờ đó, mỗi năm doanh nghiệp có 60 - 70 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được khen thưởng. Các sáng kiến khi áp dụng vào sản xuất đã góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí nhân công, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Ðối với Công đoàn ngành Giáo dục và Ðào tạo tỉnh đã phối hợp với chuyên môn cụ thể hóa thành phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” gắn với "Ðổi mới, sáng tạo trong dạy và học"; tích cực vận động các tập thể và cá nhân đăng ký danh hiệu thi đua, sáng kiến, đề tài kinh nghiệm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quan tâm, động viên cán bộ, giáo viên hăng hái thi đua, đồng thời tham mưu với lãnh đạo các đơn vị khen thưởng cán bộ, giáo viên có đề tài, sáng kiến mang tính ứng dụng cao, có nhiều thành tích trong quản lý và giảng dạy. Nhờ đó, từ năm 2020 đến tháng 3/2025, toàn tỉnh có hơn 2.000 sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ quản lý và giáo viên được công nhận ở cấp cơ sở.
Ðồng chí Trần Ðắc Viện, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục và Ðào tạo tỉnh cho biết: Các phong trào thi đua là động lực giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên tích cực nghiên cứu, tham gia vào quá trình đổi mới phương pháp quản lý, giảng dạy và giáo dục học sinh, góp phần đưa thành tích ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh ngày một nâng lên.
Toàn tỉnh hiện nay có 173.422 đoàn viên, sinh hoạt tại 1.639 công đoàn cơ sở. Thực hiện phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, hằng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức phát động, ký kết giao ước thi đua giữa các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; cụ thể hóa phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chuyên môn của từng ngành, từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi, giúp CNVCLÐ yên tâm làm việc; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, động viên CNVCLÐ hăng hái thi đua lao động sản xuất, tìm tòi đưa ra các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm góp sức vào sự phát triển của cơ quan, doanh nghiệp, nâng cao thu nhập của bản thân; tham mưu với lãnh đạo các đơn vị tạo điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực cho CNVCLÐ hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo; tổ chức khen thưởng, động viên CNVCLÐ có đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật mang tính ứng dụng cao…
Năm 2024, toàn tỉnh có 6.222 đề tài, sáng kiến của CNVCLÐ được các cấp, ngành công nhận với giá trị làm lợi hơn 12,7 tỷ đồng. Tiêu biểu như sáng kiến của cô giáo Ðỗ Thị Trang, Trường mầm non Phương Chiểu, xã Phương Nam (thành phố Hưng Yên). Trong quá trình dạy học ở nhóm lớp 5 - 6 tuổi, nhận thấy việc tổ chức giáo dục phát triển vận động của trẻ chưa đồng đều; khi thực hiện các vận động cơ bản, trẻ chưa mạnh dạn; một số cô giáo chưa quan tâm việc đa dạng các trò chơi vận động. Từ thực tế đó, cô Trang đưa ra sáng kiến nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ từ 5 đến 6 tuổi. Sáng kiến khi áp dụng vào giảng dạy tạo được hứng thú cho trẻ và được cấp cơ sở công nhận, đánh giá cao...
Điển hình khác như chị Nguyễn Thị Cư, Tổ trưởng sản xuất Công ty cổ phần May và Dịch vụ Hưng Long (thị xã Mỹ Hào) đã có 12 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất làm lợi cho công ty hơn 2,5 tỷ đồng, trong đó có sáng kiến tra măng-séc tay không cần ghim mang lại hiệu quả cao. Chị Cư cho biết: Công nhân mới vào làm hoặc chưa vững tay nghề khi may măng-séc tay luôn cần nhân công ghim cố định trước 3 lớp vật liệu rồi mới chạy đường may, may xong lại tốn nhân công tháo bỏ ghim. Tôi đã đưa ra sáng kiến, hướng dẫn công nhân không dùng ghim vẫn may được theo yêu cầu, giúp tiết kiệm nhân công ghim sản phẩm, tiết kiệm chỉ và nâng cao năng suất lao động. Nhờ những sáng kiến được áp dụng hiệu quả vào sản xuất, thu nhập bình quân của người lao động trong tổ ngày càng nâng lên, đạt 11,2 triệu đồng/người/tháng.
Phong trào thi đua đã giúp CNVCLÐ phát huy tính năng động, sáng tạo đưa ra nhiều đề tài, ý tưởng sáng tạo, cải tiến phương tiện, thiết bị máy móc, góp phần tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại lợi nhuận cao cho cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.
Nguồn: https://baohungyen.vn/