Chiều 21/6, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tiếp các Đại sứ Turkmenistan Parakhat Hommadovich Durdyev và Đại sứ Iceland Thorir Ibsen nhân dịp sang Việt Nam trình Quốc thư.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tiếp Đại sứ Turkmenistan. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam.
Tiếp Đại sứ Turkmenistan Parakhat Hommadovich Durdyev, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng chúc mừng Đại sứ đã trình Thư ủy nhiệm của Tổng thống Turkmenistan tới Chủ tịch nước Tô Lâm; khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với Turkmenistan.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy và tăng cường trao đổi, tiếp xúc các cấp trong cả khuôn khổ song phương và đa phương nhằm tăng cường tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, tạo cơ sở mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, du lịch, giáo dục-đào tạo... Thứ trưởng hoan nghênh hãng hàng không quốc gia Turkmenistan mở đường bay thẳng tới Việt Nam, góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác thương mại-đầu tư, du lịch và giao lưu nhân dân.
Thứ trưởng bày tỏ mong muốn Bộ Ngoại giao hai nước, cũng như Đại sứ Turkmenistan phát huy vai trò đầu mối thúc đẩy, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước hợp tác hiệu quả. Bên cạnh đó, hai bên có thể trao đổi khả năng đàm phán, ký kết Hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc song phương.
Thứ trưởng khẳng định, Bộ Ngoại giao và các cơ quan Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Đại sứ hoàn thành nhiệm vụ và tin tưởng Đại sứ có một nhiệm kỳ công tác thành công, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Turkmenistan phát triển hơn nữa.
Chia sẻ đánh giá của Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng về tiềm năng hợp tác của hai nước, Đại sứ Parakhat Hommadovich Durdyev khẳng định tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị Bộ Ngoại giao và Chính phủ Turkmenistan các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực có thế mạnh và nhu cầu của hai nước, nhất là hợp tác trong lĩnh vực thương mại-đầu tư, công nghệ thông tin, nông nghiệp, dầu khí, du lịch, giáo dục-đào tạo.
Đại sứ khẳng định, Turkmenistan coi trọng hợp tác với Việt Nam và sẵn sàng làm cầu nối giúp Việt Nam phát triển quan hệ với các nước trong khu vực; mong muốn thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao; nhất trí duy trì hợp tác hiệu quả giữa hai bộ ngoại giao thông qua các cơ chế tham vấn, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, tăng cường hợp tác đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu khả năng hai bên ký kết hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao và công vụ.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tiếp Đại sứ Iceland. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam.
Cùng ngày, tại cuộc tiếp Đại sứ Iceland Thorir Ibsen, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh việc hai bên cần tăng cường hợp tác chính trị-ngoại giao, tham vấn lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.
Đánh giá cao vai trò của Iceland trong đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và khối EFTA, Thứ trưởng đề nghị Iceland quan tâm thúc đẩy giao thương giữa hai nước, khuyến khích các doanh nghiệp Iceland tăng cường kinh doanh, đầu tư vào Việt Nam. Trên cơ sở những tiềm năng và thế mạnh của hai nước, Thứ trưởng đề nghị hai bên chủ động nghiên cứu và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghệ cao, năng lượng tái tạo…
Thứ trưởng khẳng định Bộ Ngoại giao và các cơ quan Việt Nam sẽ tích cực phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để Đại sứ hoàn thành nhiệm vụ, tin tưởng Đại sứ có một nhiệm kỳ công tác thành công, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Iceland phát triển hơn nữa.
Chia sẻ về hợp tác của hai nước, Đại sứ Thorir Ibsen khẳng định, Iceland coi trọng quan hệ hợp tác với khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam; cho rằng, chính phủ hai nước cần triển khai các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác chính trị-ngoại giao, tăng cường trao đổi đoàn các cấp cũng như hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc.
Đại sứ khẳng định, Iceland mong muốn đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại, đầu tư, thông qua việc đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại tự do FTA giữa EFTA mà Iceland là thành viên với Việt Nam, nhằm tạo khuôn khổ khuyến khích các doanh nghiệp Iceland đầu tư vào Việt Nam, cũng như tăng xuất khẩu của Việt Nam và Iceland sang thị trường của nhau.
Đại sứ đề nghị hai bên tiếp tục thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng sạch; triển khai hiệu quả hợp tác truyền thống trong lĩnh vực thuỷ hải sản, giáo
dục-đào tạo, văn hóa-du lịch…
Nguồn: https://nhandan.vn