KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 26/09/2023 - Lượt xem: 2012
Trồng sen lấy củ - Hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Ở tỉnh, cây sen được trồng nhiều trong các ao hồ, đầm, ruộng trũng ở thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào, các huyện: Kim Động, Phù Cừ, Khoái Châu, Ân Thi... Vài năm trở lại đây, một số địa phương trong tỉnh, nhiều nông dân chuyển hướng sang trồng sen lấy củ để cung cấp nhu cầu tiêu dùng, chế biến thực phẩm, dược phẩm...
Củ sen được rửa sạch trước khi xuất bán
Tại xã Ngọc Thanh (Kim Động), khoảng 5 – 6 năm nay, nhiều hộ nông dân chuyển từ cấy lúa sang trồng sen lấy củ. Thời điểm này, các diện tích trồng sen lấy củ trong xã Ngọc Thanh đang cho thu hoạch rộ. Mỗi buổi sáng sớm, gia đình anh Trần Đình Hinh ở thôn Duyên Yên, xã Ngọc Thanh lại ra ruộng đào củ sen để bán cho khách hàng. Trước đây, gia đình anh chủ yếu cấy lúa nhưng do ruộng trũng nên năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém. Cách đây 3 năm, sau khi học tập kinh nghiệm, nghiên cứu về mô hình trồng sen lấy củ, gia đình anh quyết định chuyển sang trồng sen lấy củ, với diện tích khoảng 3 sào. Sau 5 - 6 tháng chăm sóc, ruộng sen cho thu hoạch củ với năng suất khoảng 1 tấn/sào, giá bán trung bình 30.000 đồng/kg, thu nhập cao hơn nhiều lần so với cấy lúa. Thấy hiệu quả kinh tế, anh mở rộng diện tích trồng sen lấy củ lên 2 mẫu ruộng. Anh Hinh cho biết: Giống sen trồng lấy củ có lá dày, to tròn, sinh trưởng phát triển, khả năng chống chịu bệnh tốt, hoa có màu trắng hoặc phớt hồng, năng suất củ vượt trội các loại sen truyền thống. Kỹ thuật trồng loại sen này không khó, nhưng cần chú trọng đến giống sen, để sau thời gian chăm sóc, thu hoạch được những củ sen to, trắng, nạc, ăn giòn, bùi, bở... Sau khi chọn được giống sen tốt, trong quá trình chăm sóc, chú ý khâu chăm bón phân, phòng trừ các loại sâu, bệnh ở từng giai đoạn khác nhau để cho cây sinh trưởng và phát triển, bảo đảm chất lượng củ sen. Sau khoảng 5 - 6 tháng trồng, sen sẽ cho thu hoạch củ, thời gian thu hoạch thường bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch hằng năm. Để bảo đảm mẫu mã, chất lượng của củ sen, tôi dùng máy bơm sục thu hoạch củ. Sau khi thu hoạch thì xuống giống cho vụ năm sau. Ngoài nguồn thu chính từ bán củ, tôi còn có thêm thu nhập từ bán hoa, cây giống, lá sen... Củ sen thu hoạch đến đâu bán hết tới đó, mỗi sào trồng sen lấy củ mang lại cho gia đình tôi thu nhập khoảng 25 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Đồng chí Nguyễn Đình Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh cho biết: Ngọc Thanh là xã thuần nông với diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong đê là 270 héc-ta, trong đó có nhiều diện tích đất trũng thấp, cấy lúa kém hiệu quả. Những năm gần đây, xã đã có nhiều giải pháp để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng; tạo điều kiện cho nông dân tích tụ, chuyển đổi ruộng đất để xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa nhằm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Trong đó, mô hình trồng sen được xem là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Đến nay, cả xã có khoảng 30 héc-ta trồng sen các loại, trong đó diện tích cây sen lấy củ khoảng 4 héc-ta. Xã đã quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân phát triển sản xuất, nhân rộng trên các diện tích ruộng trũng thấp cấy lúa cho năng suất thấp của địa phương.
Thời gian qua, mô hình chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi trồng sen lấy củ của Hợp tác xã tổng hợp sản xuất và thương mại dịch vụ Thắng Phát, thôn Cù Tu, xã Xuân Trúc (Ân Thi) cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng sản xuất mới phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương nhất là đối với diện tích ruộng trũng cấy lúa cho năng xuất thấp. Sau một thời gian tìm hiểu kỹ thuật trên sách báo, mạng internet, đặc biệt là các mô hình trồng sen ở một số tỉnh miền Nam, năm 2020 hợp tác xã chuyển đổi 5 mẫu ruộng trũng sang trồng các loại sen: Quan Âm, Bách Diệp, super, sen lấy củ. Hiện nay, hợp tác xã có 10 mẫu trồng sen, trong đó có 3 sào trồng sen lấy củ, năng suất đạt từ 1 đến 1,2 tấn/sào/năm. Ông Bùi Đức Tình, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Cây sen có thể tận dụng các bộ phận, lá thì dùng gói thực phẩm, phơi khô hãm nước uống thay trà. Củ sen và hạt sen được sử dụng tươi chế biến các món ăn, như: Sen hầm, sen xào, nộm sen, chè củ sen, cháo sen… Các công ty chế biến thực phẩm còn chế biến thành các món như bánh củ sen, củ sen sấy, bột củ sen, mứt sen… phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Chính vì vậy nên sản phẩm củ sen của hợp tác xã được tiêu thụ thuận lợi trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Với giá bán từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg, mỗi sào trồng sen lấy củ cho thu nhập từ 25 đến 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, với đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, sen đang được trồng ở nhiều nơi trong tỉnh, mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều gia đình do nhu cầu của thị trường về các sản phẩm từ sen khá đa dạng. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 55 héc-ta trồng sen các loại, trong đó có sen lấy củ. Mô hình trồng sen lấy củ là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với vùng đất trũng canh tác lúa kém hiệu quả, nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Từ kinh nghiệm trồng sen của các hộ nông dân, các địa phương cần nghiên cứu quy hoạch vùng trồng sen thích hợp, có phương án hỗ trợ nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để tăng lợi nhuận cho người trồng…
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan