Xây dựng văn hóa học đường là thực hiện một quá trình quản lý giáo dục trong mỗi nhà trường nhằm mục đích xây dựng trường học thân thiện, nền nếp, kỷ cương. Đây là nhiệm vụ trọng tâm đã và đang được các cơ sở giáo dục trong tỉnh chú trọng thực hiện.Trước yêu cầu của xã hội, mỗi nhà trường đều xây dựng cho mình mục tiêu, sứ mệnh phù hợp với người dạy, người học và với điều kiện thực tiễn, bảo đảm ba tiêu chí cốt lõi là an toàn, yêu thương và tôn trọng. Vì thế, từ nhiều năm nay, cô và trò Trường THPT Văn Giang (Văn Giang) nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu trở thành ngôi trường hạnh phúc.
Trường THPT Văn Giang (Văn Giang) xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Ngân, Hiệu trưởng Trường THPT Văn Giang cho biết: Trường đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tiễn, tạo dựng bầu không khí cởi mở, dân chủ, tôn trọng lẫn nhau giữa thầy với thầy, thầy với trò. Mỗi cán bộ, giáo viên đều nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc dạy và học, sự tôn trọng giữa thầy và trò tạo sự thân thiện, kích thích tinh thần học hỏi của mỗi học sinh. Cùng với đó, nhà trường luôn phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên để tổ chức những hoạt động gắn với thực hiện các phong trào thi đua nhằm giáo dục lòng yêu nước, lịch sử truyền thống, văn hóa tốt đẹp của dân tộc, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị, tư tưởng, hình thành nhân cách cho mỗi học sinh.Đến Trường Tiểu học Tống Trân (Phù Cừ), chúng tôi rất ấn tượng bởi môi trường giáo dục an toàn, thân thiện. Sân trường, cầu thang, hành lang các lớp học được vệ sinh sạch sẽ. Giáo viên chủ nhiệm, học sinh tự trang trí lớp học rất đẹp mắt và sáng tạo. Ngôi trường được phủ màu xanh của những tán cây làm cho không gian mát rượi. Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã góp phần xây dựng môi trường giáo dục văn minh và tạo tâm lý thích thú cho học sinh khi đến trường. Điểm nhấn trong thực hiện phong trào này là nhà trường chú trọng xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên cơ sở chuẩn mực đạo đức, văn hóa công sở để làm cơ sở đánh giá, quy chiếu và lan tỏa cho mọi hành vi ứng xử của các thành viên trong nhà trường; chú trọng vai trò nêu gương của thầy, cô giáo nhằm định hướng hành vi, thái độ cho học sinh.Cô Nguyễn Thị Hiệp, giáo viên Trường Tiểu học Tống Trân bày tỏ: Cùng với dạy chữ, chúng tôi dạy cho các em học sinh cách ứng xử có văn hóa từ những điều nhỏ nhất như: Lễ phép với thầy, cô giáo; có thái độ thân thiện khi giao tiếp, ứng xử với bạn bè và với những người xung quanh. Mỗi học sinh một tính cách, năng lực nên tôi có cách trò chuyện, uốn nắn riêng với từng em. Em nào học giỏi thì liên tục khích lệ, khen ngợi để có động lực cố gắng. Những em nghịch ngợm, tôi tìm cách trò chuyện để hiểu hơn về hoàn cảnh của học trò, từ đó định hướng giúp học sinh hình thành hành vi, hành động đúng, lối sống đẹp ngay từ khi còn nhỏ.Nhằm đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Toàn tỉnh có 479 cơ sở giáo dục; 90% số trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện. 100% các cơ sở giáo dục xây dựng chương trình, hoạt động thực hiện Kế hoạch số 752/KH-SGDĐT, ngày 27/4/2022 về tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho học sinh, sinh viên giai đoạn 2021-2030... Trong dạy và học môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân, các trường đã tăng cường liên hệ thực tế, các tấm gương điển hình và đề cao trách nhiệm nêu gương mọi lúc, mọi nơi của các thầy, cô giáo. Cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, cán bộ Công đoàn giáo dục, Đoàn Thanh niên... trong các nhà trường được bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng ứng xử văn hóa. Các cơ sở giáo dục phổ thông đã thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh và công tác xã hội trong trường; tổ chức tốt các hoạt động xã hội, đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo, khuyến học, khuyến tài, trao quà, học bổng tặng học sinh giỏi và học sinh nghèo vượt khó...Để tiếp tục tạo dựng nét đẹp trong xây dựng văn hóa học đường, các trường cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương có các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, không để các đối tượng xấu lôi kéo học sinh tham gia các tệ nạn xã hội hay các vụ việc vi phạm về đạo đức, lối sống tại địa phương, nhất là khu vực xung quanh trường học; cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó, nhà trường giữ vai trò định hướng, uốn nắn những hành vi của học sinh theo chuẩn mực chung; chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thực sự gương mẫu, là tấm gương cho học sinh noi theo.Các cơ sở giáo dục cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh; chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết.Cùng với nỗ lực của ngành giáo dục, sự phối hợp thường xuyên từ gia đình cũng rất cần thiết nhằm góp phần tạo nên môi trường an toàn, thân thiện, tích cực, hình thành hệ giá trị tốt đẹp cho học sinh.
Nguồn: https://baohungyen.vn/