KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Chính trị
Đăng ngày: 27/12/2024 - Lượt xem: 262
ĐỒNG CHÍ NGUYỄN QUYẾT - VỊ ĐẠI TƯỚNG TÀI BA, NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA QUÊ HƯƠNG HƯNG YÊN

Đại tướng - nhà cách mạng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã về với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp hồi 21 giờ 9 phút ngày 23/12/2024 để lại niềm tiếc thương vô hạn cho Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân ta, đặc biệt là Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hưng Yên quê hương của Đại tướng!

Đại tướng Nguyễn Quyết, tên thật là Nguyễn Tiến Văn, sinh ngày 20/8/1922  ở thôn Dưỡng Phú, xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Cả cuộc đời của đồng chí Nguyễn Quyết đều cống hiến cho cách mạng, đồng chí hội tụ đầy đủ nhân cách “Trí – dũng – nhân – tín – liêm - trung”, được đánh giá là người của những quyết sách chiến lược, có nhiều đóng góp quan trọng ở hầu hết giai đoạn lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thế kỷ XX.

Đồng chí Đại tướng Nguyễn Quyết với cách mạng Việt Nam

Tròn 15 tuổi, chàng trai Nguyễn Tiến Văn lên Hà Nội làm thư ký kiêm phát hành Báo Đuốc Tuệ (Trung tâm Phật giáo Bắc Kỳ). Tiếp xúc với báo chí cách mạng, hiểu về Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ nghĩa Mác-Lênin, Nguyễn Tiến Văn được giác ngộ và tham gia cách mạng. Năm 1939, được Xứ ủy Bắc Kỳ giao nhiệm vụ trở về Hưng Yên là quê hương của đồng chí để gây dựng phong trào cách mạng. Đầu năm 1940, đồng chí Nguyễn Quyết được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 18 tuổi.

Tháng 8/1943, Xứ ủy Bắc Kỳ điều đồng chí Nguyễn Quyết về bổ sung vào Ban cán sự Đảng của Hà Nội, trực tiếp phụ trách xây dựng khu căn cứ ở ngoại thành và phong trào công nhân. Cuối năm 1944, khi phong trào cách mạng tại Hà Nội phục hồi, phát triển rộng khắp, đồng chí Nguyễn Quyết được Xứ ủy Bắc Kỳ và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ định làm Bí thư Thành ủy, khi mới ngoài 22 tuổi.

Chiều ngày 16/8/1945, nghe báo cáo hôm sau có cuộc mít tinh của Tổng hội Viên chức ủng hộ chính quyền thân Nhật ở Nhà hát Lớn Hà Nội, Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết đã bàn bạc, thống nhất cùng với Ủy ban khởi nghĩa, sau đó quyết định giao nhiệm vụ cho Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong và các đội tự vệ, công nhân tuyên truyền xung phong… cướp diễn đàn, biến cuộc mít tinh của địch thành cuộc tuần hành thị uy của quần chúng cách mạng. Tối ngày 17/8/1945, Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết đã chủ trì cuộc họp Thành ủy mở rộng để đề ra một quyết định lịch sử: Hà Nội tiến hành khởi nghĩa vào ngày 19/8/1945, đánh đổ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng. Hà Nội khởi nghĩa bằng lực lượng tại chỗ, không chờ Quân giải phóng từ chiến khu về. Đây là một quyết định hết sức táo bạo, sáng suốt, thể hiện sự quyết đoán, chủ động, tầm nhìn và khả năng nắm bắt thời cơ tuyệt vời của người Bí thư Thành ủy trẻ tuổi. Với quyết định đúng đắn, đầy tính tự tin đó, cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội ngày 19/8/1945 đã thành công rực rỡ.

Từ năm 1946 đến năm 1952, với cương vị là Chính trị viên, rồi Chính ủy Trung đoàn 108, phụ trách mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng, chiến trường chính của Liên khu 5, đồng chí Nguyễn Quyết đã sử dụng lực lượng chủ lực phối hợp chặt chẽ với các Tỉnh ủy, lãnh đạo quân và dân chiến đấu dũng cảm, lập chiến công oanh liệt ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Ta kìm chân địch, giữ vững một nửa tỉnh Quảng Nam nối liền 3 tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên thành vùng tự do rộng lớn liên hoàn, làm hậu phương vững chắc cho kháng chiến lâu dài của Liên khu 5 và miền Nam Đông Dương. Thắng lợi của các trận đánh như: Đèo Hải Vân, Gò Cả, diệt đồn Núi Lở, cứ điểm Thu Bồn đến những trận đánh vang dội ở tại Hòa Vang, Duy Xuyên, Đại Lộc... dưới sự chỉ huy của đồng chí và đồng đội đã khiến kẻ thù khiếp sợ.

Trong chiến cuộc Đông-Xuân năm 1953-1954, đồng chí Nguyễn Quyết là một trong bộ ba chỉ huy chiến dịch, được phân công trực tiếp chống chiến dịch Át-lăng, đây là chiến dịch lớn của Pháp nhằm “xóa” vùng tự do Liên khu 5 để vơ vét nhân tài, vật lực và làm bàn đạp đánh chiếm chiến trường chính Bắc Bộ. Dưới sự lãnh đạo của Liên khu ủy 5, các tỉnh vùng tự do vừa chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, vừa chiến đấu quyết liệt, vừa huy động cao nhất sức người, sức của phục vụ kịp thời cho mặt trận chính Tây Nguyên, các tỉnh vùng bị chiếm của Liên khu 5 và cả Đông Miên tới Hạ Lào.

Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, đồng chí Nguyễn Quyết được điều về làm Chính ủy Sư đoàn 305 (một trong hai sư đoàn chủ lực của Liên khu 5), đưa đơn vị ra miền Bắc tập kết.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ năm 1955-1963, đồng chí là quyền Chính ủy rồi Chính ủy Quân khu Tả ngạn. Những năm 1964-1968, đồng chí là Phó Chính ủy rồi Chính ủy Quân khu 3, Chính ủy Quân khu Tả ngạn, Phó Chính ủy Quân khu Trị-Thiên, kiêm Chính ủy Mặt trận B8. Từ năm 1969-1976, đồng chí là Chính ủy Quân khu Tả ngạn. Năm 1974, đồng chí Nguyễn Quyết được phong quân hàm Thiếu tướng. Từ năm 1977-1980, đồng chí là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 3. Năm 1980, đồng chí Nguyễn Quyết được phong quân hàm Trung tướng. Những năm 1981-1986, đồng chí là Tư lệnh Quân khu 3.

Suốt gần 3 thập kỷ, đồng chí Nguyễn Quyết đã cùng Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu chủ động tiến hành xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngay trong điều kiện hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, chuẩn bị sẵn sàng thế trận toàn dân đánh giặc với lực lượng vũ trang 3 thứ quân làm nòng cốt.

Sau đó, khi là Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu, đồng chí Nguyễn Quyết đã cùng quân và dân địa phương nỗ lực vượt khó, cần cù tổ chức lấn biển ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà-Nam-Ninh… Chỉ trong thời gian ngắn, toàn quân khu đã lấn được hàng chục nghìn héc-ta biển, trong đó, con đường ra bán đảo Đình Vũ, đường xuyên đảo Cát Hải, Cát Bà (Hải Phòng) mang tầm nhìn chiến lược, tạo đà vững chắc cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội kết hợp với quốc phòng-an ninh trên địa bàn sau này.

Năm 1984, đồng chí Nguyễn Quyết được phong quân hàm Thượng tướng, đến năm 1990, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng. Từ năm 1986, đồng chí Nguyễn Quyết về nhận nhiệm vụ là Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Do có tầm nhìn chiến lược, nhạy bén, thấu hiểu tình hình, đồng chí Nguyễn Quyết được Trung ương Đảng, Quốc hội trao thêm trọng trách Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

Trong thời gian này, đồng chí Nguyễn Quyết đã lần lượt đi nắm tình hình, đặc biệt những nơi có vấn đề bức xúc nhất, như biên giới, hải đảo ở trong nước và các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào và Campuchia. Tháng 5/1989, đồng chí ra Trường Sa và khẩu hiệu thiêng liêng: “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước” ra đời. Là nhà lãnh đạo nghiên cứu sâu lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin một cách hệ thống, triệt để học và làm theo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, am hiểu kỹ càng, tường tận thực tế, những chủ kiến khoa học của đồng chí Nguyễn Quyết góp phần làm sáng rõ nhiều vấn đề, thuyết phục Trung ương Đảng, Bộ Chính trị có những nghị quyết kịp thời, đúng đắn về quân sự quốc phòng, kinh tế, đối ngoại… không chỉ phù hợp tình hình trong nước, khu vực mà cả với thế giới.

 Đồng chí Đại tướng Nguyễn Quyết với phong trào cách mạng của tỉnh Hưng Yên những năm 1939-1943

Cuối năm 1939, đồng chí Nguyễn Quyết được Xứ ủy Bắc Kỳ giao nhiệm vụ từ Hà Nội về tổ chức gây dựng phong trào phản đế ở tỉnh Hưng Yên, trực tiếp là huyện Kim Động, đặc biệt là ở thôn Dưỡng Phú, xã Chính Nghĩa là quê hương đồng chí, để làm chỗ đứng chân, từ đó phát triển phong trào ra nơi khác. Để thực hiện nhiệm vụ được tổ chức phân công, đồng chí Nguyễn Quyết đã tiếp tục liên hệ với đồng chí Nguyễn Văn Tích (tức Tạo) và thống nhất lựa chọn thanh niên là đối tượng để giác ngộ cách mạng. Đồng chí Nguyễn Quyết đã tham gia dạy học ở nhà bà đội Khảm (thôn Dưỡng Phú) để làm quen với số thanh niên học sinh. Bên cạnh đó, với danh nghĩa là phóng viên báo Đuốc Tuệ, đồng chí Nguyễn Quyết đã đến nhiều nơi trong huyện Kim Động, vận động Nhân dân làm điều công đức theo đạo Phật, từ đó giác ngộ họ đứng lên làm cách mạng.

Đồng chí Nguyễn Quyết đã vận động gia đình mình và một số gia đình ở quê hương Dưỡng Phú tham gia ủng hộ cách mạng. Gia đình cụ Thát (thân mẫu đồng chí Nguyễn Quyết) và một số gia đình như gia đình cụ Khảm, cụ Bếp Uyển, cụ Chìu đã tham gia ủng hộ và trở thành nơi bảo vệ an toàn cho các cán bộ cấp trên về ăn ở, hội họp chỉ đạo phong trào cách mạng ở phía Nam tỉnh Hưng Yên như các đồng chí: Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Thị Minh Châu, Lương Hiền…

Sau năm 1939, phong trào cách mạng ở thôn Dưỡng Phú phát triển mạnh và có đủ điều kiện thành lập các hội và đoàn thể phản đế như Thanh niên phản đế, Phụ nữ phản đế, Nông dân phản đế, đồng chí Nguyễn Quyết được giao nhiệm vụ thành lập Ban Chấp hành Thanh niên phản đế huyện Kim Động, gồm các đồng chí: Đỗ Hồng Phụ, Nguyễn Văn Khôi, Cao Văn Trạch.

Tháng 5/1941, đồng chí Nguyễn Quyết được Xứ ủy Bắc Kỳ điều về Hà Nội nhận công tác. Tháng 4.1942, Xứ ủy Bắc Kỳ lại điều đồng chí Nguyễn Quyết từ Hà Nội về Hưng Yên củng cố và gây dựng lại phong trào cách mạng. Tháng 6/1942, Tỉnh ủy lâm thời Hưng Yên quyết định thành lập Chi bộ ghép Dưỡng Phú - Tiên Cầu, gồm 3 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Quyết làm Bí thư.

Cũng trong năm 1942, từ cơ sở Dưỡng Phú, đồng chí Nguyễn Quyết tiếp tục gây dựng cơ sở cách mạng ở thôn Đồng Lý (nay thuộc thị trấn Lương Bằng), đồng thời tiếp tục tuyên truyền, giác ngộ được một số thanh niên và thành lập tổ chức Thanh niên Cứu quốc. Tháng 2/1943, tình hình thuận lợi và có đủ điều kiện để Chi bộ Dưỡng Phú - Tiên Cầu được tách thành hai chi bộ. Đầu năm 1943, nhờ có sự giúp đỡ của Xứ ủy Bắc Kỳ, Ban cán sự Đảng tỉnh Hưng Yên được kiện toàn, đồng chí Nguyễn Thị Minh Châu làm Trưởng Ban cán sự Đảng tỉnh; các đồng chí Nguyễn Quyết (thường gọi là Tâm), Hồng, Nghị (Thận), là Ủy viên, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hoàng Quốc Việt. Tháng 6/1943, với kinh nghiệm của mình, đồng chí Nguyễn Quyết đã tham mưu cho Ban cán sự Đảng tỉnh ra đời Báo Bãi Sậy, cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên. Ban Biên tập gồm có 3 đồng chí: Nguyễn Thị Minh Châu là Trưởng Ban cán sự Đảng tỉnh, phụ trách chung và các đồng chí Nguyễn Quyết, Học Phi. Tháng 8/1943, Xứ ủy Bắc Kỳ điều đồng chí Nguyễn Quyết về bổ sung vào Ban cán sự Đảng của Hà Nội, trực tiếp phụ trách xây dựng khu căn cứ ở ngoại thành và phong trào công nhân.

Trong suốt cuộc đời của mình, đồng chí Đại tướng Nguyễn Quyết đã dành trọn cho Đảng, cho cách mạng. Ở Đại tướng Nguyễn Quyết, hội tụ đầy đủ những phẩm chất, đức tính cao đẹp của người cộng sản kiên trung. Đồng chí là vị tướng tài năng, mưu lược, giỏi quân sự, vững vàng, sắc sảo về chính trị; là người cán bộ cộng sản đức độ, luôn hết lòng vì dân, vì nước.

Với những công lao và thành tích to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí Đại tướng Nguyễn Quyết đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đào Hồng Vận

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

 

Tin liên quan