KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024); KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024); KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 28/03/2024 - Lượt xem: 177
Cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm: Hỗ trợ hội viên nông dân đẩy mạnh sản xuất

Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã triển khai chương trình cung ứng phân bón trả chậm cho hội viên nông dân thông qua liên kết với các doanh nghiệp sản xuất phân bón. Đây là một trong những hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân có vật tư sản xuất kịp thời vụ, đồng thời được tiếp cận và sử dụng vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng, góp phần đẩy mạnh sản xuất.

Năm 2023, gia đình bà Nguyễn Thị Thơm ở xã An Vĩ (Khoái Châu) được Hội Nông dân xã tín chấp, cung ứng cho mua 3 tấn phân bón NPK và phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm để sử dụng cho trang trại 1,2 mẫu trồng bưởi Diễn. Trong đó, phân bón NPK được mua với giá rẻ hơn thị trường và được trả chậm trong thời gian 6 tháng; đối với phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm được huyện hỗ trợ 50% tiền phân bón. Bà Thơm cho biết: Trước đây, khi vào giai đoạn bón phân cho cây trồng, gia đình tôi phải bỏ nhiều chi phí mua phân bón, có thời điểm phải mua chịu tại các đại lý. Tuy vậy, các đại lý chỉ cho nợ thời gian ngắn và tính lãi nên chi phí sản xuất tăng lên, số tiền lãi không nhiều. Từ khi hội nông dân triển khai chương trình liên kết với doanh nghiệp cung ứng phân bón, tôi đăng ký tham gia. Qua thời gian sử dụng tôi thấy, giá thấp hơn khoảng 1 nghìn đồng/kg so với giá trên thị trường, sau khi mua xong, trong vòng 6 tháng mới phải trả tiền về Hội Nông dân xã đối với phân NPK; đối với phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm được hỗ trợ 50% giá tiền nên chi phí mua phân bón giảm đáng kể. Sau khi sử dụng phân bón, cây phát triển tốt, cho quả to, đều, mã đẹp, bán ra ngoài thị trường được khách hàng ưa chuộng. Năm vừa qua, tôi thu được khoảng từ 12 đến 15 nghìn quả bưởi Diễn để bán ra thị trường.
Bà Phạm Thị Chi ở xã Dị Chế (Tiên Lữ) thường xuyên sử dụng phân bón do Hội Nông dân xã tín chấp cung ứng. Bà Chi cho biết: Trong mỗi vụ lúa, tôi chỉ bón 2 lần (bón lót, bón thúc) theo nguyên tắc 4 đúng: “Đúng lúc, đúng cách, đúng chủng loại và đúng liều lượng”, cây lúa phát triển khoẻ mạnh, chống chịu sâu bệnh tốt, giảm tối đa số lần phun thuốc bảo vệ thực vật nên hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo đảm sức khoẻ cho người sản xuất.
Nông dân huyện Khoái Châu được hưởng lợi từ chương trình cung ứng phân bón trả chậm
Thực hiện chương trình cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm cho hội viên nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần phân lân Ninh Bình, Công ty cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển triển khai chương trình tới tất cả các cơ sở hội trong tỉnh. Bên cạnh đó, đưa chỉ tiêu cung ứng phân bón là một trong những chỉ tiêu thi đua hằng năm; tổ chức giám sát quá trình thực hiện của từng cấp hội. Để tạo điều kiện giúp người dân kịp vào vụ sản xuất, ngay từ tháng 11 hằng năm, các cấp hội chủ động nắm nhu cầu thực tế, thông báo bảng giá từng loại phân bón, tổng hợp nhu cầu đăng ký của hội viên các địa phương. Sau đó, hội nông dân cấp xã sẽ tiến hành nhận phân bón từ công ty cung ứng và giao đến tận tay người nông dân để kịp thời phục vụ sản xuất. Năm 2023, các cấp hội đã phối hợp với doanh nghiệp cung ứng 1.744 tấn phân bón trả chậm. Từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp hội đã cung ứng hơn 78,7 tấn phân bón trả chậm các loại cho hội viên nông dân để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Một số hội nông dân cấp huyện ngoài việc tiếp nhận phân bón từ chương trình hợp tác của Hội Nông dân tỉnh với doanh nghiệp cung cấp phân bón còn tự đứng ra ký kết, tín chấp cung ứng phân bón của một số doanh nghiệp khác để hội viên sử dụng, bảo đảm phù hợp với cây trồng của địa phương như Hội Nông dân các huyện: Tiên Lữ, Khoái Châu, Phù Cừ...
Để hội viên nông dân sử dụng hiệu quả nguồn phân bón cho cây trồng, các cấp hội phối hợp với đơn vị cung ứng phân bón tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về cách thức, liều lượng, thời điểm sử dụng phân bón đối với từng loại cây trồng. Từ đó, giúp hội viên nông dân nắm được cách thức sử dụng phân bón hiệu quả, tránh lãng phí, giúp nâng cao năng suất cây trồng. Ngoài ra, các cấp hội còn phối hợp với đơn vị cung ứng phân bón xây dựng các mô hình điểm trình diễn sử dụng phân bón trên cây lúa, cây ăn quả và cây rau màu. Kết quả của các mô hình sẽ là cơ sở để đối chứng, đánh giá chất lượng, hiệu quả của phân bón, làm căn cứ thực tế để tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực tham gia, đăng ký mua và sử dụng phân bón vào các năm tiếp theo.
Qua các năm thực hiện chương trình, các cấp hội đã cung ứng phân bón kịp thời theo yêu cầu về thời vụ và quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, giúp nông dân được sử dụng nguồn phân bón bảo đảm chất lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất, được chậm thanh toán tiền và mua với giá thấp hơn so với thị trường nên giảm đáng kể chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan