KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024); KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024); KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2024)
Chính trị
Đăng ngày: 09/04/2024 - Lượt xem: 329
Ký ức chiến thắng Điện Biên Phủ trong trái tim người lính

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam một mốc son chói lọi trong thế kỷ XX. 70 năm trôi qua nhưng những ký ức về “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” ấy không bao giờ phai mờ trong tâm trí những người lính Điện Biên.

Trong những ngày tháng cả nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi đã được gặp gỡ, trò chuyện cùng với những chiến sĩ Điện Biên năm xưa để được nghe kể lại những năm tháng hào hùng, đầy gian khổ và đoàn kết của quân và dân ta.
Ông Vũ Duy Tân (ngồi giữa) kể lại ký ức hào hùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Cầm trên tay những tấm hình xưa, ngày còn là người lính trẻ tình nguyện xung phong ra chiến trường chống giặc, mang trong mình khát khao giải phóng đất nước, đến giờ ký ức về những tháng ngày trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí ông Phạm Văn Điền ở thôn Cộng Vũ, xã Vũ Xá (Kim Động). Ông Điền kể lại: Tháng 3/1954, tôi có mặt trong đoàn quân của Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 hành quân lên Điện Biên xây dựng chiến hào. Đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức bao vây địch khu vực Hồng Cúm ở phía Tây Nam lòng chảo Điện Biên. Từ đây, bắt đầu những ngày gian khổ, ác liệt để đi đến thắng lợi. Lúc bấy giờ ở Tây Bắc trời thường xuyên đổ mưa lớn, nước tràn vào hầm trú ẩn và chiến hào. Cả tháng trời những người lính sinh hoạt và chiến đấu trong cảnh nước ngập ngang bụng, bùn nhão phủ khắp người. Chỉ cần nhô đầu lên khỏi chiến hào là lập tức trúng đạn bắn tỉa của địch chỉ cách mấy trăm mét. Trong mỗi trận đánh, hai bên giành nhau từng tấc đất, từng mét chiến hào, nhiều đồng đội đã hy sinh khi xung phong đánh chiếm lô cốt của địch.
Cuối tháng 4/1954, ông Điền cùng 6 đồng đội khác được giao nhiệm vụ trinh sát sân bay Hồng Cúm thì bị địch phục kích. Có 5 đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh. Lúc đó, ông Điền bị địch bắn gãy chân trái, vỡ bàn chân phải nhưng bằng nghị lực phi thường, ông vẫn nén đau bò bằng hai tay hơn 1km tìm về đơn vị để cung cấp tin tức trinh sát. Do vết thương quá nặng, ông Điền được đưa về hậu phương chữa trị. Dù không được tận mắt chứng kiến cảnh quân địch giương cờ trắng đầu hàng nhưng khi nghe tin chiến thắng, ông Điền và những đồng đội ôm lấy nhau reo hò, niềm vui tưởng chừng bất tận…
Ông Phạm Văn Điền ôn lại kỷ niệm về những người đồng đội cùng chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ với các thành viên trong gia đình
Với ông Vũ Duy Tân ở thôn An Đạm, xã Hoàng Hoa Thám (Ân Thi) thì những ngày tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ có bi thương, nghẹn ngào nhưng xuyên suốt hồi tưởng vẫn là khí thế ra trận hào hùng, quyết không lùi bước. Ông Tân tham gia kháng chiến từ năm 1952 khi vừa tròn 18 tuổi, trải qua nhiều trận đánh ở khắp các chiến trường Tây Bắc. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 của ông phụ trách đánh Đồi A1. Đây được coi là cứ điểm khó đánh nhất trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trải qua hàng chục ngày đêm khoét núi, đào hào cùng với đồng đội là những ký ức không thể nào quên đối với ông Tân. Ông Tân nhớ lại: Đêm ngày 24/1/1954, sau cuộc họp ở đại bản doanh Mường Phăng do Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp triệu tập, thảo luận về phương án tác chiến mới, chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, đơn vị tôi được giao nhiệm vụ đào hào. Mỗi ngày, tôi cùng đồng đội vừa đào hào, vừa xây dựng trận địa. Đầu tiên là đào hầm cá nhân để tránh pháo của địch, sau đó là đào hầm nối hầm cá nhân này với hầm cá nhân khác để tạo thành hình những chữ Z nối dài. Đêm ngày 30/3/1954 là đêm diễn ra trận đánh đầu tiên trên Đồi A1. Tiếp đó, từ ngày 31/3, quân ta chiếm một nửa quả đồi, địch một nửa quả đồi, khoảng cách gần nhau. Địch phòng thủ còn bộ đội ta quyết tâm chiếm toàn bộ quả đồi, quyết tâm giành chiến thắng. Cứ như vậy, anh em, đồng đội chúng tôi kề vai, sát cánh để chiến đấu trong suốt mấy chục ngày đêm. Đêm ngày 6/5, khối bộc phá gần 1.000kg phát nổ trên Đồi A1 báo hiệu ngày tàn của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của địch. Dù tổn thất nhiều về lực lượng, nhưng bộ đội ta vẫn hạ quyết tâm chiến đấu đến cùng. Đến 17h30 ngày 7/5, lá cờ đỏ sao vàng của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Để có được chiến thắng này, biết bao đồng chí, đồng đội của ông Tân đã anh dũng hy sinh. “Tôi nhớ mãi hình ảnh, ngọn cờ chiến thắng giương cao, trong màu cờ ấy có cả máu của những người nằm xuống. Trước bóng cờ, chúng tôi ôm nhau khóc, khóc vì quân đội ta, đồng bào ta đã chiến thắng quân thù, khóc tiếc thương những người đồng đội đã anh dũng ngã xuống...” ông Tân chia sẻ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn hội nghị ký Hiệp định Genève chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược ở Đông Dương, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng. Trở về đời thường, những người lính Điện Biên năm xưa vẫn giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nỗ lực khắc phục khó khăn, nuôi dạy con cháu trưởng thành. Các cựu chiến binh thường xuyên nhắc nhở, động viên con cháu tiếp tục phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với những hy sinh xương máu của ông cha vì độc lập, tự do của dân tộc.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan