KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 16/05/2024 - Lượt xem: 359
Nhớ Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi, người chắp cánh cho những ca khúc

Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi (trong ảnh) vừa ra đi ở tuổi 87. Sở hữu giọng hát nữ cao với kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, nữ nghệ sĩ nổi tiếng với những ca khúc kinh điển của dòng nhạc cách mạng trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, được công chúng yêu mến. Cùng với sự nghiệp biểu diễn, nghệ sĩ còn tham gia sáng tác và giảng dạy thanh nhạc, đào tạo nhiều thế hệ ca sĩ.

Cuối năm 1955, ca sĩ Kim Ngọc và một số thành viên của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam khi qua Quân y viện 108 bất giác nghe được tiếng hát của cô y tá Tường Vi trong khi chăm sóc những thương binh đang điều trị. Họ phát hiện một chất giọng đầy nội lực và càng ngạc nhiên hơn khi biết, cô gái miền trung đó vừa theo bộ đội Khu V tập kết ra miền bắc.
Chỉ thời gian ngắn sau đó, Tường Vi được điều động về công tác tại Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị. Ngày ấy, gặp cô gái nhỏ bé thế mà không ai ngờ một năm sau, Tường Vi đã dám đua tài và đoạt giải thi đấu toàn quân ở nội dung điền kinh nhảy cao! Cũng chính cô gái trẻ này sau đó được chọn theo học thanh nhạc với các chuyên gia nước ngoài: Trung Quốc, Triều Tiên, Liên Xô, Ấn Độ... khi đến giúp chúng ta bồi dưỡng, đào tạo ca sĩ trẻ.
Tường Vi có giọng hát tốt và chất giọng hiếm. Khi dạy cô, có chuyên gia nước bạn đã thốt lên: “Thật hiếm gặp được một ca sĩ có chất giọng như em ấy”. Rất nhanh sau đó, trên sân khấu của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị đã xuất hiện giọng đơn ca trẻ Tường Vi đầy cảm xúc với ca khúc “Bài ca hy vọng” của nhạc sĩ Văn Ký. Những buổi biểu diễn của cô luôn được người xem nhiệt liệt hoan nghênh. Trên sân khấu, Tường Vi không chỉ hát cho khán giả mà dường như cô đang hát cho chính mình, cho nỗi khát khao ngày trở về quê hương miền trung và những người con đang hướng về miền nam thân yêu thời đất nước bị chia cắt. Cũng từ ấy, Tường Vi đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả và bất kỳ ở đâu, lúc nào, khi giọng hát của chị cất lên là người nghe lại gọi tên người hát: “Tường Vi, Tường Vi...”.
Vào những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, giọng hát của Tường Vi càng được tôi luyện qua những chiến trường khi chị cùng các nghệ sĩ Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị đi phục vụ đồng bào và chiến sĩ. Ở những chiến hào, những bìa rừng dọc đường ra tiền tuyến, tiếng hát của chị vang lên góp sức nâng bước đồng đội ra trận, tiến về miền nam cho đến ngày toàn thắng. Những bài hát như “Tiếng đàn Ta lư”, “Người con gái sông La” được các chiến sĩ rất yêu thích. Đặc biệt, chị đã nhiều lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người ân cần động viên, cổ vũ không chỉ biểu diễn mà còn phải sáng tác thật hay, thật cảm xúc.
Tường Vi thường kể lại với bạn bè, khi được gặp Bác Hồ, được Người trực tiếp chỉ bảo, khuyên răn về học tập, lối sống, chị ngày càng trưởng thành về mọi mặt. Trong cuộc sống đời thường và cả trong những năm gian khổ thời chiến tranh, hay khi bước chân vào giảng đường đại học và trong sự nghiệp âm nhạc sau này, tấm gương đạo đức và những lời bảo ban của Bác Hồ luôn là nguồn cổ vũ Tường Vi không ngừng học tập và phấn đấu vươn lên.
Theo thời gian, tiếng hát của Tường Vi thêm phần thăng hoa, bay bổng. Chính từ những đợt đi biểu diễn phục vụ chiến trường, Tường Vi đã thể nghiệm đưa giọng hót (staccato) thay vì giọng hót của chim rừng vào bài “Cô gái vót chông” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp và được lãnh đạo Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị cũng như khán giả, nhất là bộ đội, nhiệt liệt ủng hộ, yêu thích. Giọng ca đặc trưng Tường Vi làm cho bài hát thêm hấp dẫn, người nghe thêm yêu quý cô ca sĩ trẻ và cũng từ đó “tiếng chim hót” ấy đã trở thành một phần không thể thiếu trong ca khúc “Cô gái vót chông”.
Có thể nói, Tường Vi là ca sĩ có đóng góp lớn, đưa những bài ca kinh điển của dòng nhạc cách mạng thời chiến tranh chống Mỹ, cứu nước như: “Tiếng đàn Ta lư”, “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”, “Người con gái sông La”, “Bài ca hy vọng”... lên những tầm cao của nghệ thuật ca hát. Bên cạnh sự nghiệp biểu diễn, nghệ sĩ Tường Vi còn tham gia sáng tác nhiều ca khúc, trong đó bài hát “Phi đội ta xuất kích” được chọn là một trong mười bài hát chính thức của quân đội.
Trong những năm cùng công tác với Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi, tôi thấy chị là nghệ sĩ có rất nhiều đức tính đáng quý, luôn cổ vũ, trọng thị những tài năng nghệ thuật. Chị chính là người phát hiện tài năng Nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung từ những ngày đầu Lê Dung còn đang chập chững vào nghề ở đoàn nghệ thuật quân khu. Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi đã đề nghị với tổ chức điều động Lê Dung về Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị và trực tiếp kèm cặp, trao đổi, truyền lại cho Lê Dung mọi kinh nghiệm, kỹ thuật thanh nhạc để Lê Dung không ngừng trưởng thành như chị tâm sự với bạn bè khi ấy: “Lê Dung được chăm sóc tốt sẽ vượt tôi rất nhiều!”.
Đến tận cuối đời, Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi vẫn say mê với sự nghiệp biểu diễn, sáng tác và đào tạo khi mở các trung tâm đào tạo âm nhạc dành cho trẻ em khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn. Cũng từ cơ sở đào tạo của chị, nhiều nghệ sĩ đã thành danh hôm nay. Cho đến nay, rất khó có một giọng hát nữ cao nào vượt được âm vực cao chót vót với độ cao ba quãng 8 của nữ Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi. Giọng ca ấy sẽ còn sống mãi với thời gian, với công chúng yêu mến chị.
Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi (tên đầy đủ là Trương Tường Vi) vừa qua đời chiều 11/5 tại thành phố Đà Nẵng sau thời gian lâm bệnh nặng. Bà sinh năm 1938 tại Tam Kỳ, Quảng Nam, nhập ngũ năm 1954 và sau đó về Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị năm 1956 và bắt đầu học thanh nhạc. Năm 1962, bà được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam và cùng năm theo học Khoa Thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội, tốt nghiệp vào năm 1967. Sau đó, bà theo học một lớp sáng tác ngắn hạn của Bộ Văn hóa-Thông tin. Năm 1974, bà học bốn năm tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria. Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1962-1982). Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam (1962-1982). Bà được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú năm 1984 và được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân năm 1993. Bà được Nhà nước khen thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý và là nghệ sĩ duy nhất được ghi tên trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, xuất bản năm 1996.
Đạo diễn KHẮC TUẾ, Nguyên Trưởng đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan