KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024); KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024); KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 29/03/2024 - Lượt xem: 111
Nông dân chăm sóc nhãn thời kỳ ra hoa, đậu quả

Hiện nay, các trà nhãn đang ra hoa, chuẩn bị đậu quả. Đơn vị chuyên môn cùng các địa phương đã tập trung tuyên truyền nông dân chăm sóc, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để có mùa nhãn đạt năng suất, chất lượng.

Nông dân xã Hàm Tử (Khoái Châu) phun thuốc bảo vệ thực vật phòng, trừ sâu,
bệnh cho cây nhãn thời kỳ ra hoa
Xã Hàm Tử là địa phương có diện tích trồng nhãn lớn của huyện Khoái Châu với hơn 100 héc-ta, trong đó chủ yếu là các giống: Miền Thiết, siêu ngọt, T6... Đồng chí Nguyễn Văn Thế, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm nay, tỷ lệ nhãn ra hoa của xã đạt khoảng 60%. Thời điểm này khi cây bắt đầu nở hoa, đậu quả, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền người dân về các biện pháp kỹ thuật chăm sóc nhãn như: Hạn chế độ ẩm của đất, phun các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép để phòng, trừ các loại sâu, bệnh hại.
Vườn nhãn diện tích 6 sào của gia đình anh Nguyễn Văn Hiến ở thôn An Cảnh, xã Hàm Tử đang được chăm sóc theo quy trình VietGAP. Năm nay, tỷ lệ nhãn ra hoa đạt khoảng 70% diện tích. Anh Hiến cho biết: Cây nhãn đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ theo từng thời kỳ sinh trưởng. Vào đầu tháng 12 âm lịch của năm trước, tôi tiến hành khoanh cành, gốc, đồng thời cuốc đất xung quanh tán cây, làm đứt rễ phụ, qua đó kích thích cây phân hóa mầm hoa. Vào thời điểm này cây thường hay mắc bệnh sương mai, thán thư và các loại sâu hại, bọ xít... Bệnh lan truyền nhanh, phát triển mạnh nhất là khi có mưa phùn, độ ẩm không khí cao, trời âm u, vì vậy tôi thường xuyên kiểm tra cây và phun thuốc phòng, trừ các loại sâu hại, nấm bệnh định kỳ.
Thành phố Hưng Yên là vùng trồng nhãn đặc sản quy mô lớn của tỉnh. Thời điểm này, các chủ vườn đang tập trung cao cho việc chăm sóc nhãn giai đoạn nở hoa, đậu quả. Theo tổng hợp của phòng Kinh tế thành phố Hưng Yên, toàn thành phố hiện có hơn 1.000 héc-ta trồng nhãn, tập trung ở các xã: Hồng Nam, Phương Chiểu, Tân Hưng, Quảng Châu... Trong đó có nhiều giống nhãn ngon đặc sản, có giá trị kinh tế cao như: Cùi cổ, đường phèn, hương chi... Đến thời điểm này, tỷ lệ nhãn ra hoa của thành phố đạt khoảng 80% diện tích.
Những ngày này, 23 thành viên của Hợp tác xã nhãn lồng Nễ Châu, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) tích cực thăm vườn, chăm sóc hơn 18 héc-ta nhãn. Theo anh Bùi Xuân Sử, Phó Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Chăm sóc nhãn là việc quanh năm, nhưng khi cây ra hoa, đậu quả cần được chú ý hơn. Để cây cho năng suất cao, cần kết hợp kinh nghiệm với kỹ thuật chăm sóc, nhất là việc bảo đảm dinh dưỡng cho cây. Hiện nay, thời tiết khá thuận lợi cho cây sinh trưởng, phát triển. Đến thời điểm này, khoảng 80% diện tích nhãn của hợp tác xã đã ra hoa và bắt đầu nở. Giai đoạn này thời tiết có vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến tỉ lệ đậu quả và năng suất quả. Nếu thời tiết bất lợi, như mưa phùn kéo dài, nhiệt độ thấp vào đúng thời kỳ hoa cái nở rộ thì sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng đậu quả của cây. Chính vì vậy chúng tôi thường xuyên theo dõi thời tiết và cây nhãn để có biện pháp xử lý phù hợp.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu, Quyền Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Hiện nay toàn tỉnh có hơn 4,8 nghìn héc-ta nhãn, tập trung ở thành phố Hưng Yên và các huyện: Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động… Những năm gần đây, nhờ áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây, những vùng chuyên canh nhãn lớn của tỉnh đã sản xuất theo hướng hàng hóa, sản phẩm đạt chất lượng cao. Năm nay, do thời tiết, đến thời điểm này, tỷ lệ cây ra hoa đạt khoảng 70% diện tích, thấp hơn so với năm trước.
Theo dự báo thời tiết, trong thời gian tới khi cây nhãn nở hoa, đậu quả sẽ tiếp tục có những ngày âm u, mưa phùn, độ ẩm không khí cao, thuận lợi cho một số loài sâu, bệnh phát sinh và gây hại cho cây nhãn. Do vậy, người dân cần thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, sâu bệnh trên cây nhãn, nhất là ở thời kỳ ra hoa - đậu quả, đồng thời có biện pháp xử lý phù hợp. Đối với bệnh sương mai, thán thư phải phòng trừ sớm bằng thuốc đặc hiệu như Sago Perfect 320SC, Amistar 250SC, Phytocide 50WP, Dosay 45WP, Ridomil Gold 68 WG... Đối với rệp sáp, rệp muội, bọ trĩ, sâu đo... xuất hiện với mật độ cao cần phòng trừ bằng các thuốc như Movento 150OD, Kola 700 WG, Radiant 60SC, Brightin 4.0 EC; bọ xít nâu phát sinh cần phòng trừ bằng thuốc đặc hiệu…
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan