Lãnh đạo các nước tham dự khóa họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên hợp quốc (1955). (Ảnh: TTXVN phát) 
Sự ra đời của Liên hợp quốc ngày 24/10/1945 phản ánh khát vọng chung của nhân dân các nước về một thế giới hòa bình, an ninh và phát triển sau những nỗi kinh hoàng của Chiến tranh thế giới thứ II. Theo Hiến chương Liên hợp quốc, các quốc gia đã trao cho Tổ chức này vai trò là trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế để thực hiện các mục tiêu chung là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia; thúc đẩy hợp tác giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền và phẩm giá con người.
Sau 79 năm phát triển, Liên hợp quốc đã trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất với sự tham gia của hầu như toàn bộ các quốc gia độc lập của hành tinh. Vai trò và hoạt động của Liên hợp quốc được mở rộng về mọi mặt, nỗ lực hoạt động hướng tới thực hiện các tôn chỉ mục đích đã được đề ra, qua đó đem lại những tác động tích cực, to lớn đến đời sống quốc tế và từng dân tộc.
Ngày nay Liên hợp quốc là một tổ chức đa phương gồm 193 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện gồm 6 cơ quan chính, nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên môn và 5 Ủy ban kinh tế - xã hội đặt ở các khu vực, hàng chục quỹ và chương trình, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống quốc tế. Các mục tiêu chính của Liên hợp quốc gồm: (i) Duy trì hoà bình và an ninh quốc tế; (ii) Thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về quyền lợi giữa các dân tộc và nguyên tắc dân tộc tự quyết; (iii) Thực hiện hợp tác quốc tế thông qua giải quyết các vấn đề quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá và nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ và tôn giáo; (iv) Xây dựng Liên hợp quốc làm trung tâm điều hoà các nỗ lực quốc tế vì các mục tiêu chung.
Đóng góp của Liên hợp quốc trong 3 trụ cột hoạt động chính gồm: Hợp tác-phát triển, hòa bình-an ninh và bảo vệ, thúc đẩy quyền con người. Cụ thể:
Trong lĩnh vực hợp tác phát triển: Thúc đẩy quan tâm về các vấn đề phát triển, đáp ứng nhu cầu của đại đa số các nước, nhất là các nước đang phát triển; góp phần quan trọng trong định hướng chương trình nghị sự phát triển của thế giới, xây dựng sự đồng thuận quốc tế trong những nỗ lực thúc đẩy phát triển. SDGs có tính bao trùm và toàn diện hơn, lấy phát triển bền vững là định hướng xuyên suốt gồm ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường.
Trong lĩnh vực hoà bình – an ninh: Thành tựu lớn nhất là ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới mới và xây dựng được khuôn khổ pháp lý về ngăn chặn phổ biến vũ khí huỷ diệt, giải trừ quân bị và triển khai các hoạt động gìn giữ hoà bình.
Trong lĩnh vực bảo đảm và thúc đẩy quyền con người: Pháp điển hoá các quyền con người, thúc đẩy quan tâm đến các nhóm dễ bị tổn thương. Hội đồng Nhân quyền đóng vai trò thiết thực trong đánh giá tình hình quyền con người tại các nước, là diễn đàn chính về quyền con người của thế giới.
Những dấu mốc trong hợp tác Việt Nam - Liên hợp quốc
Ngày 20/9/1977, tại khóa họp thứ 32, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết công nhận Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc. (Ảnh: TTXVN)  
Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc, tổ chức đóng vai trò trung tâm trong xây dựng luật pháp quốc tế, gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột và ứng phó với các thách thức toàn cầu. Quan hệ hợp tác Việt Nam – Liên hợp quốc trong gần 50 năm qua (20/9/1977 – 20/9/2024) đã góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia-dân tộc của ta, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; làm sâu sắc hơn quan hệ của ta với các nước, các đối tác chủ chốt và bạn bè và tranh thủ nguồn lực quan trọng phục vụ công cuộc phát triển đất nước.
Giai đoạn 1945 – 1977
Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định việc nhân dân Việt Nam tuyên bố độc lập là hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của Liên hợp quốc. 
Ngày 3/10/1945, thông cáo đầu tiên về chính sách ngoại giao của Việt Nam khẳng định nền độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn của Việt Nam... lấy nguyên tắc của Hiến chương Đại Tây Dương làm nền tảng.
Tháng 1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân danh Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã gửi thư đến Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc bày tỏ nguyện vọng Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc. Trải qua thăng trầm lịch sử, ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc. Cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam đóng góp trực tiếp vào quá trình phi thực dân hoá, cổ vũ cuộc đấu tranh của nhân dân nhiều nước trở thành các quốc gia độc lập, trở thành thành viên của Liên hợp quốc, góp phần cho sự lớn mạnh của Liên hợp quốc trong thời kỳ đầu nhiều khó khăn.
Trong giai đoạn 1977-1991
Các cơ quan phát triển, nhân đạo Liên hợp quốc đã tích cực giúp Việt Nam giải quyết những khó khăn nhiều mặt với tổng viện trợ đạt hơn 500 triệu USD; góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nâng cao trình độ công nghệ và thúc đẩy tiến bộ về khoa học-kỹ thuật ở Việt Nam, phục hồi và xây dựng mới một số cơ sở sản xuất, tăng cường năng lực phát triển. Đồng thời trong bối cảnh bao vây cấm vận, hợp tác với Liên hợp quốc tạo điều kiện để Việt Nam  tiếp cận được nguồn viện trợ của nhiều nước phương Tây.
Trong khoảng thời gian này, ta tập trung vào việc đẩy mạnh đấu tranh bác bỏ các luận điệu sai trái về Việt Nam và bước đầu tham gia một số công ước quốc tế cơ bản về nhân quyền, các công ước Geneva về bảo vệ tù binh và nạn nhân chiến tranh...
Giai đoạn 1991-2006
Đại hội lần thứ VII của Đảng khẳng định chủ trương đa phương hoá, đa dạng hóa, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với tất cả các nước; đồng thời đề ra nhiệm vụ “góp phần làm cho Liên hợp quốc phục vụ đắc lực hơn những mục tiêu của nhân loại, hợp tác với các tổ chức tài chính, tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ, ủng hộ phong trào Không liên kết”.
Tới Đại hội lần thứ IX, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, đẩy mạnh hoạt động tại các diễn đàn đa phương”.
Trong hợp tác phát triển thời gian này, ta ưu tiên hợp tác xoá đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs), cải cách thể chế kinh tế; có nhiều mô hình, kết quả tốt được Liên hợp quốc chia sẻ với các nước khác.
Trong lĩnh vực hoà bình-an ninh, ta đã tham gia một số điều ước quốc tế quan trọng về giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt và bắt đầu ứng cử vào các cơ quan, vị trí quan trọng của Liên hợp quốc.
Giai đoạn từ 2006 đến nay, đối ngoại đa phương là một trong những ưu tiên của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế nêu rõ nhiệm vụ “chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương, góp phần xây dựng trật tự chính trị và kinh tế công bằng, dân chủ, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, củng cố hòa bình, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi”.
Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8/8/2018 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, văn bản chỉ đạo đầu tiên Đảng ta về công tác đối ngoại đa phương của đất nước, đưa đối ngoại đa phương thành một định hướng chiến lược quan trọng hàng đầu và là một phương thức hiệu quả thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược - xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng của Liên hợp quốc trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; theo đó nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc  và các khuôn khổ, cơ chế hợp tác quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện đất nước.
Trên cơ sở đó, Việt Nam tiếp tục coi trọng và tăng cường hợp tác với Liên hợp quốc; kiên định độc lập, tự chủ, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; nỗ lực phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải trong các vấn đề quốc tế trong điều kiện cho phép; tiếp tục thúc đẩy hợp tác đa phương, hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN, để cùng tìm giải pháp lâu dài cho xử lý các thách thức an ninh và phát triển trên thế giới.
Trong giai đoạn này, Việt Nam dần khẳng định vị trí hình mẫu trong việc tiên phong cam kết và thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc, được quốc tế đánh giá cao. Những dấu ấn trong hai nhiệm kỳ đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008 – 2009 và 2020 – 2021) không chỉ khẳng định chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương của Đảng và Nhà nước ta là hoàn toàn đúng đắn, mà còn góp phần củng cố nền tảng để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chủ trương này trong giai đoạn mới.
Trong lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam đã tham gia 7/9 Công ước cơ bản về quyền con người và đảm nhiệm 2 nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền với nhiều sáng kiến, thực hiện tốt 4 chu kỳ Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR).
Lễ xuất quân Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 lên đường làm nhiệm vụ tại Nam Sudan (Ảnh: Cục GGHBVN)  
Tình hình thế giới biến chuyển nhanh chóng, phức tạp, song xu thế lớn và nguyện vọng thiết tha của các quốc gia, dân tộc vẫn luôn là giữ vững hoà bình, mở rộng hợp tác phát triển. Với phương châm chủ động, tích cực, chân thành, tin cậy và có trách nhiệm, Việt Nam tiếp tục nỗ lực hết sức mình để góp phần củng cố vai trò trung tâm của Liên hợp quốc thông qua việc nâng cao năng lực và thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đồng thời vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hoà giải thông qua việc đăng cai các hội nghị quốc tế lớn, ứng cử và đảm nhiệm các vị trí quan trọng tại các tổ chức, diễn đàn Liên hợp quốc.
Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục nỗ lực khẳng định vai trò trong 3 trụ cột hoạt động chính của Liên hợp quốc. Cụ thể, trong lĩnh vực hoà bình – an ninh, Việt Nam sẽ góp phần tích cực vào việc định hình thể chế kiến trúc an ninh khu vực và toàn cầu. Trong lĩnh vực phát triển, ta khẳng định chủ trương tích cực đóng góp, đưa ra sáng kiến và triển khai có hiệu quả Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.  Trong lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam tiếp tục phấn đấu đóng góp thực chất vào nỗ lực chung thúc đẩy các giá trị về quyền con người, nhất là bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và trong xử lý các vấn đề toàn cầu.
Thực tế hơn 40 năm qua cho thấy, dù trong bất kỳ giai đoạn nào, hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc luôn mang ý nghĩa to lớn, góp phần tăng cường vai trò cũng như những đóng góp của Việt Nam tại Liên hợp quốc. Những kết quả này tiếp tục là tiền đề thúc đẩy những nỗ lực chung của Việt Nam và Liên hợp quốc trong việc mở rộng hợp tác, hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam, đồng thời góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Liên hợp quốc trong tương lai./
Nguồn: https://dangcongsan.vn/