KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024); KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024); KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2024)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 04/05/2024 - Lượt xem: 391
Linh thiêng Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ

Chúng tôi đến Điện Biên trong không khí hào hùng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Trên mảnh đất này, những chứng tích trên chiến trường năm xưa gắn liền với sức mạnh đoàn kết, lòng quả cảm, khí thế hào hùng của quân và dân ta vẫn còn đó, trường tồn cùng non sông, đất nước. Cảm xúc tự hào và lòng biết ơn trào dâng trong tâm trí chúng tôi khi đặt chân đến Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Đúng như những dòng chữ được khắc ngay từ cổng vào Đền thờ “Ngôi đền được xây dựng từ lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ hôm nay và mai sau, từ ký ức chiến tranh còn khắc ghi trong tâm trí, từ vết thương trên thân thể người cựu chiến binh, từ vết sẹo vẫn in hằn trên đất mẹ, từ bùn, máu và hoa”.
Toàn cảnh Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ
Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ được xây dựng trên di tích đồi F thuộc phường Mường Thanh (thành phố Điện Biên Phủ) bởi đây là ngọn đồi lịch sử từng chứng kiến trận đánh ác liệt nhất của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Công trình có kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hòa giữa các yếu tố lịch sử, văn hóa, cảnh quan và tín ngưỡng truyền thống, là một điểm đến tâm linh rất linh thiêng, khắc ghi những hy sinh to lớn của các liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Mọi chi tiết trong thiết kế của công trình đều có ý nghĩa đặc biệt. Công trình bắt đầu khởi công xây dựng ngày 13/3/2021 cũng là ngày diễn ra trận đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ 67 năm trước và được khánh thành vào ngày 18/5/2022.
Để lên dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ, du khách sẽ đi qua 199 bậc đá với 3 lớp không gian có kiến trúc độc đáo, mỗi lớp không gian, mỗi chi tiết dù nhỏ nhất của công trình đều có ý nghĩa riêng, gửi gắm vào đó là những câu chuyện, những tình cảm tri ân sâu sắc nhất. Không gian dẫn nhập là không gian đầu tiên của Đền thờ, là nơi diễn ra các sự kiện và tổ chức hoạt các động tri ân. Đường dẫn số 1 là một bức tường vòng cung có nhiều lỗ rỗng như tàn tích của chiến tranh, như những cái lô cốt, để mỗi khách tham quan khi đi qua đó sẽ cảm thấy như những họng súng từ trong lỗ châu mai của quân Pháp từ đó sẽ cảm nhận được rằng những người lính bắt đầu phải đối mặt với những gian nguy. Phía trên là hình vòng tròn tạo khoảng không giao lưu với bầu trời, đồng thời cũng có ý nghĩa như 1 vành hoa đỏ trong câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: "Chín năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng".
Đoàn đại biểu tỉnh Hưng Yên thăm Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ
Không gian tưởng niệm gồm sân tĩnh tâm và hồ tưởng niệm được tạo hình bởi các vòng tròn đồng tâm, bao quanh là đồi được đắp cao để nhấn mạnh thêm lần nữa, đến gần hơn nữa với trận chiến tại lòng chảo Điện Biên Phủ. Hồ tưởng niệm hình bán nguyệt tượng trưng cho con ngươi trong mắt của người chiến sĩ khi ngã xuống. Bởi khi người chiến sĩ ngã xuống, nếu có thể, bao giờ họ cũng sẽ cố gắng lật mình để nhìn bầu trời, vì nhìn thấy bầu trời là cảm nhận được sự sống. Lòng hồ được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, vào buổi tối khi ánh điện sáng lên sẽ tỏa bóng lung linh trên mặt nước như những ngọn nến trong đêm. 56 cây đèn đặt chính giữa tượng trưng cho 56 ngày đêm bão lửa của Chiến dịch Điện Biên Phủ và được sắp xếp tạo thành hình ngôi sao năm cánh tượng trưng ngôi sao trên lá quốc kỳ. Ngôi sao nằm nghiêng cũng thể hiện nỗi đau mất mát của đất nước khi những người con anh dũng hy sinh trên con đường giải phóng dân tộc. Trên hai tuyến đường vòng hai bên là hai bức phù điêu khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Điện Biên Phủ, được tạo hình dáng giống những lỗ đạn với nhiều kích thước to, nhỏ khác nhau, với hàm ý là những người lính ở Điện Biên Phủ đã phải nếm trải những làn đạn ác liệt của quân thù. Phù điêu được trích từ bức tranh Kết nạp Đảng tại Điện Biên Phủ của họa sĩ Nguyễn Sáng - bức tranh được sáng tác năm 1963, năm 2013 được công nhận là bảo vật Quốc gia.
Tiếp nối giữa không gian tưởng niệm với không gian tâm linh là đường hầm dốc dài 39 m, rộng 7,5 m. Trước đường hầm khắc dòng chữ “Quyết chiến, Quyết thắng”. Đây là dòng chữ được in trên lá cờ Bác Hồ trao cho các đại đoàn quân trước khi lên đường ra mặt trận đã trở thành biểu tượng, là kim chỉ nam trong toàn chiến dịch, động viên các đơn vị ra sức thi đua lập công và hoàn thành nhiệm vụ trong mỗi trận đánh. Qua đường hầm là đến không gian tâm linh gồm đền thờ chính, nhà tiền tế, 2 khối tả vu, hữu vu tất cả đều làm bằng gỗ Lim. Không gian đền thờ chính mang ý nghĩa là chiếc cầu nối giữa cuộc sống hiện tại và cõi thiêng liêng.
Thắp nén tâm nhang trong đền thờ, ông Đặng Hữu Quân, cựu chiến binh đến từ xã Long Hưng (Văn Giang) xúc động bày tỏ: Anh trai ruột của tôi là chiến sĩ Điện Biên Phủ, từng chiến đấu và anh dũng hy sinh trên mảnh đất này. Ngôi đền không chỉ là nơi thờ phụng mà còn là “địa chỉ đỏ” để thế hệ nay và mai sau biết được công lao của những anh hùng liệt sĩ đã quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Công trình Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ đã trở thành điểm đến không thể thiếu của mỗi du khách trong hành trình tri ân, tham quan, trải nghiệm tại mảnh đất Điện Biên anh hùng. Nơi đây sẽ mãi mãi là biểu tượng cho sự anh dũng, bất khuất của tinh thần Việt Nam: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan