KỶ NIỆM 107 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA (7/11/1917 - 7/11/2024) - KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 26/04/2023 - Lượt xem: 5992
Phát huy giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt Nam đã xây dựng, bồi đắp, hun đúc nên các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp. Các giá trị đó đã làm nên cốt cách và bản sắc văn hóa; là nền móng, sức mạnh nội sinh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng đất nước độc lập, tự do, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Ảnh minh họa: Trao truyền văn hóa cho thế hệ mai sau. Nguồn ảnh: Internet.
ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM
Lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, ý chí tự lực, tự cường.
Lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam được hình thành từ rất sớm, bắt nguồn từ tình cảm yêu mến, gắn bó tha thiết với quê hương, xứ sở, từ lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Tình yêu nước một cách tự nhiên của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng dần phát triển thành chủ nghĩa yêu nước, trở thành động lực tinh thần to lớn trong mỗi giai đoạn dựng nước và giữ nước. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam có sự thống nhất chặt chẽ giữa ý thức bảo vệ chủ quyền non sông đất nước, tinh thần độc lập dân tộc với ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, quyết tâm bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, không chịu khuất phục trước các thế lực ngoại xâm. Trong hệ giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, yêu nước là giá trị nổi bật và cơ bản nhất, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Nhìn lại lịch sử, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua hàng nghìn năm chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Chính lòng yêu nước đã làm nên sức mạnh nội sinh, là nguồn lực không bao giờ cạn, bảo đảm cho sự trường tồn của đất nước qua mọi thăng trầm của lịch sử. Nhiều tấm gương sáng ngời, biểu tượng cao đẹp của lòng yêu nước, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã được lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ghi nhận.
Tinh thần đoàn kết dân tộc.
Ở Việt Nam, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng là một đặc trưng gốc rễ của làng xã, được hình thành từ rất sớm trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong quá trình đó, người dân Việt Nam luôn tương trợ, hợp tác, giúp đỡ nhau, tạo nên sức mạnh tinh thần và vật chất để chiến thắng mọi kẻ thù. Cùng với quá trình phát triển của đất nước, sự đoàn kết, đùm bọc là yếu tố tinh thần nổi bật, khắc sâu qua các thế hệ.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, với ý chí sắt đá và sự đồng lòng của dân tộc, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân tộc trong 9 năm kháng chiến, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy khó khăn, gian khổ, với khát vọng cháy bỏng “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn dân đoàn kết một lòng vượt qua mọi thử thách, hy sinh, gian khổ để làm nên đỉnh cao thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn thể dân tộc Việt Nam luôn đoàn kết thực hiện mục tiêu chung của đất nước. Với vai trò hạt nhân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, góp phần củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược của Đảng.
Lòng yêu thương con người, tinh thần nhân đạo, vị tha, hòa hiếu.
Giá trị đạo đức truyền thống của con người Việt Nam còn được biểu hiện ở lòng yêu thương con người, kết thành chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả. Tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ, sẻ chia mỗi khi gặp hoạn nạn, thiên tai... được hình thành một cách tự nhiên trong điều kiện sống với thiên nhiên khắc nghiệt, chiến tranh kéo dài. Phát huy truyền thống “Thương người như thể thương thân”, mỗi người dân Việt Nam luôn có cách ứng xử, yêu thương người khác như chính bản thân mình, vừa biểu hiện sự thấu hiểu, cảm thông, hiểu mình, hiểu người vừa chứa đựng tư tưởng nhân văn cao đẹp. Tinh thần nhân đạo cao cả, sự hòa hiếu, độ lượng, bao dung còn được thể hiện với cả kẻ thù của dân tộc: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”(1)...
Cần cù, dũng cảm, thông minh, sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất và chiến đấu.
Với điều kiện sinh tồn đầy khó khăn, khắc nghiệt, con người Việt Nam không thể tồn tại nếu không cần cù, chăm chỉ, sáng tạo trong lao động. Chính mảnh đất giàu tài nguyên nhưng nhiều thiên tai, khí hậu khắc nghiệt đã rèn giũa, hình thành tính cách chịu thương, chịu khó, biết trân trọng thành quả lao động của mình, của người khác, linh hoạt trong sản xuất. Xuất phát từ đòi hỏi của sự sinh tồn, tinh thần quả cảm và sự linh hoạt, sáng tạo đã giúp dân tộc Việt Nam ứng phó, tồn tại trong bất cứ thử thách nào. Bên cạnh đó, trải qua các cuộc đấu tranh vệ quốc, con người Việt Nam đã thể hiện sự dũng cảm, thông minh khi chiến đấu chống lại kẻ thù mạnh hơn gấp nhiều lần.
Yêu chuộng hòa bình.
Yêu chuộng hòa bình là giá trị được kết tinh từ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chính những mất mát, đau thương của chiến tranh đã khiến dân tộc Việt Nam thấu hiểu hơn hết ý nghĩa, giá trị của hòa bình bởi nỗi đau chiến tranh càng lớn thì khát vọng hòa bình càng mãnh liệt. Những người dân nước Việt luôn coi “việc binh là việc bất đắc dĩ” - chỉ cầm súng khi kẻ thù buộc phải chiến đấu để giữ đất, giữ làng; chiến đấu để bảo vệ hòa bình, để có hòa bình, để rồi “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”.
Các giá trị đạo đức - văn hóa truyền thống tiêu biểu được kết tinh từ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, được các thế hệ không ngừng kế thừa, bổ sung, phát triển và làm phong phú thêm. Bên cạnh đó còn có các giá trị khác cũng trở thành phẩm chất phổ biến của cả dân tộc như anh hùng, dũng cảm, vì nghĩa, khiêm tốn, giản dị, hiếu học… Các giá trị đạo đức không tồn tại riêng lẻ mà liên quan đến nhau, đức tính này là điều kiện, là biểu hiện của đức tính kia. Yêu Tổ quốc gắn liền với yêu thương con người, ý thức về cộng đồng, về lý tưởng phục vụ Tổ quốc, về việc biết đặt cái chung lên trên cái riêng; cần cù, sáng tạo trong lao động; đoàn kết để xây dựng, bảo vệ những thành quả do mình tạo ra…
ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH - SỰ HỘI TỤ VÀ KẾT TINH ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến đạo đức và quá trình tu dưỡng đạo đức của người cách mạng. Sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh gắn liền với sự phát triển và xây dựng đạo đức cách mạng mà Người là biểu tượng sáng ngời.
Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức của một người cộng sản mẫu mực, kiên định trên lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp với chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa quốc tế chân chính của giai cấp công nhân. Đó là đạo đức của người kiên trì đấu tranh, dâng hiến trọn cuộc đời và sự nghiệp của mình cho lý tưởng và mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng xã hội và giải phóng con người.
Đạo đức Hồ Chí Minh là sự hội tụ và kết tinh đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam. Người là tấm gương mẫu mực về giữ gìn, phát huy những giá trị đạo đức truyền thống đó để trở thành nguồn lực nội sinh của dân tộc, góp phần thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Bác Hồ với nữ chiến sĩ thi đua miền Bắc _Tranh của họa sĩ Vương Trình, sáng tác năm 1967 _ Ảnh: tư liệu
Trung với nước, hiếu với dân.
Trung, hiếu là đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam nói riêng và của người phương Đông nói chung, được Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển trong điều kiện mới. Theo Người, trung với nước là trung thành vô hạn với lợi ích quốc gia, dân tộc, với sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, làm cho đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Ngay từ những ngày đầu cách mạng, khi mở lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ đầu tiên ở Quảng Châu, Trung Quốc, một trong những vấn đề đầu tiên Hồ Chí Minh quan tâm là đào tạo những người tự nguyện phấn đấu, hy sinh suốt đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người; trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, biết đoàn kết và tổ chức nhân dân cùng phấn đấu vì sự nghiệp chung.
Khi Đảng được thành lập, Người luôn nhắc nhở các đồng chí của mình: “Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau...”(2).
Lòng yêu nước, trung với nước là cơ sở để Hồ Chí Minh đúc rút thành thông điệp mạnh mẽ: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(3).
Về chữ hiếu, theo Hồ Chí Minh là hiếu với dân. Người chỉ rõ: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân… Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ lợi ích của nhân dân”(4). Hiếu với dân là “phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(5). Theo đó, Đảng lãnh đạo để nhân dân có quyền và thực hiện quyền làm chủ; lãnh đạo phải gần dân, sát dân để hiểu dân tình, dân tâm, dân nguyện; phải “kính trọng, lễ phép” với nhân dân, học hỏi nhân dân, thường xuyên quan tâm cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí để nhân dân hiểu và thực hiện đúng quyền và trách nhiệm. Vì vậy, “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh(6) .
Ảnh minh họa.
Trung với nước, hiếu với dân kết tinh trong đạo đức đạo đức Hồ Chí Minh là lòng yêu nước thương nòi, tự hào với truyền thống của dân tộc như Người đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy càng sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(7); là bổn phận và trách nhiệm của mỗi người dân với cộng đồng, với sự nghiệp cách mạng, với sự hưng vong của đất nước; là ý chí và nghị lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hy sinh vì mục tiêu chung; là sự tin yêu, kính trọng nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân…
Yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh là tấm gương cao đẹp về tình yêu thương con người. Khi đất nước chưa được độc lập, tự do, tình yêu thương con người, yêu nước là động lực thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Khi tìm thấy con đường cứu nước và giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh tìm cách khơi dậy trong con người Việt Nam lòng yêu nước, niềm tin, ý chí cách mạng để họ đứng lên đấu tranh giải phóng mình, biến ước mơ, lý tưởng thành hiện thực. Đất nước hòa bình, thống nhất, nhân dân bắt tay xây dựng cuộc sống mới, tình yêu thương con người của Hồ Chí Minh là quan hệ gắn bó với nhân dân, là những quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần của mọi tầng lớp trong xã hội.
Tình yêu thương, nhân ái của Hồ Chí Minh là nhân tố xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Hiểu thấu tâm tư, tình cảm của nhân dân, Người đã khơi gợi lòng tự hào, tự tôn dân tộc, biến khát vọng độc lập, tự do thành mục tiêu chung của toàn dân trong từng thời kỳ cách mạng. Lấy lòng nhân ái làm gốc, Hồ Chí Minh nhiều lần kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân vượt qua mọi định kiến để phát huy tài năng, trí tuệ, xây dựng khối đại đoàn kết: “không phân biệt tầng lớp nào, tín ngưỡng nào, chính kiến nào và trước đây đã đứng về phe nào, chúng ta hãy thật thà cộng tác, vì dân nước mà phấn đấu để thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ”(8).
Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi vấn đề để giải quyết. Người đã gạn lọc những nét hay, nét đẹp trong đạo lý làm người của ông cha ta để xây dựng nên những chuẩn mực, nhân cách mới cho con người Việt Nam thời đại mới. Đây là phẩm chất nổi bật, cơ bản, trung tâm của đạo đức Hồ Chí Minh; gắn liền với hoạt động hàng ngày của Người, được Người xem là nền tảng của đời sống mới, là mối quan hệ “với tự mình”. Đây cũng là phẩm chất Người đề cập nhiều nhất trong giáo dục cán bộ, đảng viên.
Ngay từ năm 1927, khi viết tập bài giảng Đường kách mệnh cho lớp đào tạo cán bộ đầu tiên của Đảng, người đã yêu cầu cán bộ cách mạng “Tự mình phải: Cần kiệm/ Hòa mà không tư/ Cả quyết sửa lỗi mình/ Cẩn thận mà không nhút nhát/ Hay hỏi/ Nhẫn nại (chịu khó)/ Hay nghiên cứu, xem xét/ Vị công vong tư/ Không hiếu danh, không kiêu ngạo/ Nói thì phải làm/ Giữ chủ nghĩa cho vững/ Hy sinh/ Ít lòng ham muốn về vật chất/ Bí mật. Đối người phải: Với từng người thì khoan thứ/ Với đoàn thể thì nghiêm/ Có lòng bày vẽ cho người/ Trực mà không táo bạo/ Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng/ Quyết đoán/ Dũng cảm/ Phục tùng đoàn thể”(9). Năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc, những phẩm chất, tư cách đạo đức đó được Người đúc rút thành: “Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm” và sau này là “Cần, kiệm, liêm, chính”.
Phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính luôn được Hồ Chí Minh nhắc đến mỗi khi Người đề cập đến vấn đề đạo đức; coi là phẩm chất đạo đức cần thiết đối với tất cả mọi người, càng cần thiết đối với cán bộ, đảng viên: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/ Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/ Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/ Thiếu một mùa, thì không thành trời/ Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người(10).
Cần là lao động cần cù, siêng năng, chăm chỉ; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ý lại, không dựa dẫm. Có cần thì việc gì dù khó khăn đến mấy cũng làm được.
Kiệm là tiết kiệm tiền của dân, của nước, của bản thân mình, tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, từ nhiều cái to đến nhiều cái nhỏ, vì nhiều cái nhỏ cộng lại thành cái to, không hoang phí, không bừa phô trương, hình thức. Tiết kiệm là để tích trữ vốn, mở rộng sản xuất, không phải là keo kiệt, bủn xỉn. “Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm…Việc đáng tiêu mà không tiêu, là bủn xỉn, chứ không phải là kiệm”(11).
Liêm là trong sạch, “luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân”(12), “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân”(13), “không tham địa vị, không tham tiền tài... Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa...”(14).
Chính là ngay thẳng, đúng đắn, chính trực. Đối với mình không tự cao, tự đại; đối với người không nịnh trên, khinh dưới, không dối trá, lừa lọc, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Đối với việc thì để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà.
Chí công là rất mực công bằng công tâm; vô tư là không được có lòng riêng, thiên vị. Muốn “chí công vô tư” phải chiến thắng chủ nghĩa cá nhân, phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là dày xéo lên lợi ích cá nhân, mà phải giải quyết hài hòa quan hệ chung riêng, cần ưu tiên lợi ích chung. 
Cần, kiệm, liêm, chính có quan hệ chặt chẽ với nhau và với chí công, vô tư. Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công, vô tư, ngược lại đã chí công, vô tư, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính. “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là nguyên tắc chỉ đạo thường xuyên trong toàn bộ đạo đức của Hồ Chí Minh. Người không chỉ đề ra và yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thực hiện mà chính cuộc đời của Người là tấm gương mẫu mực trong thực hiện các chuẩn mực đạo đức đó.
Tinh thần quốc tế trong sáng.
Đây là phẩm chất đạo đức được Hồ Chí Minh thể hiện trong mối quan hệ quốc tế ngay từ những ngày Người bôn ba tìm đường cứu nước. Đó là tình hữu ái với những người lao động, những người vô sản các nước với tinh thần “Bốn phương vô sản đều là anh em”;  là tình đoàn kết chiến đấu với những người yêu nước ở các nước thuộc địa và những người cộng sản trong phong trào cộng sản quốc tế; tình hữu nghị với nhân dân các nước, đặc biệt nhân dân Pháp, Liên Xô, Trung Quốc; ủng hộ sự nghiệp cách mạng của mỗi nước và bằng sự giúp đỡ chí tình với tinh thần “giúp bạn cũng là tự giúp mình”.
Đạo đức Hồ Chí Minh về đại đoàn kết quốc tế là sự mở rộng những quan niệm đạo đức, nhân đạo, nhân văn của Người ra phạm vi toàn nhân loại, vì Người là “Người Việt Nam nhất”, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
GÌN GIỮ, KẾ THỪA, PHÁT HUY GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Đất nước tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra sôi động. Mở cửa, giao lưu, hội nhập là điều kiện sống còn cho sự phát phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa. Để đủ sức làm chủ vận mệnh đất nước, con người Việt Nam cần có sự kết hợp hài hòa giữa giá trị đạo đức truyền thống với những phẩm chất và năng lực thời đại mới. Giá trị đạo đức truyền thống có sức mạnh tiềm tàng, có tính cốt lõi, ổn định, chỉ đạo hoạt động, củng cố, phát triển ý chí và bản lĩnh dân tộc. Một dân tộc có bản sắc đậm đà, có các giá trị đạo đức truyền thống sâu đậm sẽ không bao giờ bị thôn tính, hòa tan hay xóa nhòa.
“Không ai hiểu biết con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam bằng Hồ Chí Minh và không ai hiểu biết Bác Hồ bằng con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam…”(15). Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc gìn giữ, kế thừa và phát huy giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc được kết tinh trong tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngày 7/11/2006, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 06-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tiếp đó, ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người cũng chính là sự kế thừa và phát huy đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam; nhằm góp phần làm cho bộ máy của Đảng và Nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh, đẩy lùi những tiêu cực, làm cho xã hội lành mạnh, văn minh, tiến bộ. Đồng thời mỗi người phải rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, để Đảng xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân, xứng đáng là Đảng cách mạng chân chính do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện.
Trong bối cảnh, tình hình mới, để tiếp tục xây dựng và phát huy giá trị đạo đức - văn hóa truyền thống, sức mạnh con người Việt Nam, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên. Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từng bước vươn lên khắc phục những hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn bó chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”(16).
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, yêu nước phải gắn liền với yêu CNXH, phải thể  hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người dân Việt Nam, dù ở bất cứ đâu cũng luôn có tình cảm gắn bó tha thiết với quê hương, đất nước, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Cần bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống, niềm tin, tình cảm, ý chí, lòng quyết tâm để thực hiện mục tiêu của Đảng. Đặc biệt, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, cần khơi dậy mạnh mẽ lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; tinh thần đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; sự khiêm tốn, cần cù, tự giác, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo…
Với những giá trị đạo đức được hun đúc qua quá trình dựng nước và giữ nước, được phát huy trong bối cảnh, tình hình mới, đồng thời với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta có cơ sở vững chắc để tin tưởng rằng, sau 37 năm đổi mới, con người Việt Nam có đủ điều kiện, tiềm năng, sức mạnh để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra./.
Nguồn: https://tuyengiao.vn
_______________________
(1) Nguyễn Trãi: Bình Ngô đại cáo.
(2) (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.5, tr.290-291, 292.
(3) Lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.453.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.612.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.65.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.3
(8) (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.3, 145.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.280.
(10) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.117, 123.
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.70.
(15) Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh tinh hoa và khí phách dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2012, tr.423.
(16) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.143.
Tin liên quan