Tính đến ngày 14/12/2024, mới có 36/63 ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản, công bố dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi (từ Chương trình 120.000 tỷ đồng) trên cổng thông tin điện tử.
(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Sáng 14/12, thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp,” trong năm 2024, cả nước đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành 130.000 căn, tuy nhiên chỉ tiêu này không hoàn thành.
Trước đó, ngày 22/2/2024, Phó Thủ tưởng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì đã chủ trì Hội nghị triển khai Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội; giao chỉ tiêu nhà ở xã hội hoàn thành trong năm nay đối với từng địa phương và đề nghị các địa phương khẩn trương lập kế hoạch, triển khai cụ thể việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, đảm bảo mục tiêu toàn quốc hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội mà Chính phủ giao.
Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 16/3 và ngày 17/5/2024; đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng mỗi bộ thực hiện 5.000 căn hộ nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố…
Mặc dù đã nỗ lực triển khai đề án, có nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, song qua thực tế triển khai ở các địa phương, Bộ Xây dựng nhận định không hoàn thành chỉ tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm nay.
Số liệu cập nhật đến ngày 14/12/2024 cho thấy về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững - đến nay mới có 36/63 ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản, công bố dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử (trong đó có 16 dự án đã ký hợp đồng tín dụng cho vay theo Chương trình 120.000 tỷ đồng với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.727 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, ngành Xây dựng hiện nay còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù tăng trưởng ngành năm 2024 là động lực chính cho tăng trưởng chung của nền kinh tế nhưng phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của thị trường bất động sản, tiến độ tháo gỡ vướng mắc, triển khai các dự án đầu tư công; việc thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án của bộ còn có một số nhiệm vụ chậm theo tiến độ được giao, một số nhiệm vụ xin lùi, rút khỏi chương trình; hệ thống định mức, đơn giá, tiêu chuẩn, quy chuẩn còn chậm hoàn thiện, chưa theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ và yêu cầu thực tiễn.
Ngoài ra, công tác thẩm định dự án, thiết kế, dự toán còn nhiều hồ sơ chưa đảm bảo thời gian quy định; hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát về đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch, kiến trúc còn hạn chế; việc kiểm soát quy trình điều chỉnh quy hoạch xây dựng cục bộ tại một số địa phương chưa chặt chẽ; công tác quản lý đô thị có nơi còn chưa chuyên nghiệp; chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực của chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị.
“Thị trường bất động sản tuy đã có nhiều tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Hoạt động của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp vật liệu xây dựng và bất động sản vẫn tiếp tục đối mặt tình trạng thiếu hụt dòng tiền, thua lỗ,” báo cáo của Bộ Xây dựng nhấn mạnh./.
Theo Bộ Xây dựng, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, từ năm 2021 đến ngày 14/12/2024, trên địa bàn cả nước có 644 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 580.109 căn, trong đó có 96 dự án với quy mô 57.652 căn đã hoàn thành; 133 dự án với quy mô 110.217 căn đang khởi công xây dựng; 415 dự án với quy mô 412.240 căn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/