MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI – MỪNG ĐẢNG QUANG VINH – MỪNG XUÂN ẤT TỴ 2025
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 21/09/2023 - Lượt xem: 269
Tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết

Hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết ở một số tỉnh, thành phố, trong đó có thành phố Hà Nội đang diễn biến phức tạp. Một số địa phương của tỉnh tiếp giáp với Hà Nội, người dân đi về trong ngày, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh sốt xuất huyết. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tiến hành điều tra chỉ số muỗi ở một số địa bàn trọng yếu, đồng thời chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, kịp thời phát hiện, ngăn chặn bùng phát thành dịch.
Phun hoá chất phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
Tại Khoa truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) hiện nay đang điều trị nội trú cho gần 20 ca mắc bệnh sốt xuất huyết. Bác sĩ Trần Đức Băng, Trưởng khoa truyền nhiễm cho biết, các bệnh nhân rải rác ở nhiều nơi, có cả bệnh nhân mắc tại địa phương và bệnh nhân ở Hà Nội trở về sau khi mắc bệnh. Tháng 8, khoa tiếp nhận, điều trị cho gần 50 ca mắc sốt xuất huyết. Ghi nhận tại một số cơ sở y tế, trong số các ca mắc sốt xuất huyết, có nhiều trường hợp trở về từ các địa phương khác, nhiều nhất là Hà Nội. Thời gian vừa qua, Trung tâm Y tế huyện Văn Giang tiếp nhận, điều trị nội trú gần 70 ca bệnh sốt xuất huyết, phần lớn là người làm việc, học tập ở Hà Nội trở về. Đây là nguồn lây nhiễm cho nhiều người ở địa phương. Chị Nguyễn Thị Th., ở xã Tân Tiến (Văn Giang) cho biết, gần nhà tôi có mấy trường hợp trở về từ Hà Nội. Ở đây có nhiều người hằng ngày buôn bán ở Hà Nội, họ đi về trong ngày. Theo bác sĩ Ngô Thị Đào Thắm, phụ trách Khoa Y tế công cộng (Trung tâm Y tế huyện Văn Giang), tại một số thôn của xã Tân Tiến đã xuất hiện chùm ca bệnh sốt xuất huyết. Ngay khi phát hiện có các ca bệnh sốt xuất huyết đầu tiên trên địa bàn từ đầu tháng 7, huyện đã triển khai xuống các xã, thị trấn, tổ chức đồng loạt các hoạt động, chiến dịch vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, loại bỏ phế thải, phun hóa chất… trên diện rộng toàn bộ các xã, thị trấn của huyện; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh 2 lần/ngày vận động người dân thực hiện các biện pháp diệt muỗi, bọ gậy.
Ngoài ảnh hưởng do giáp ranh với địa bàn đang có diễn biến phức tạp về dịch bệnh sốt xuất huyết, có lượng dân cư di biến động lớn, một nguyên nhân nữa khiến nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết là ý thức của người dân về phòng, chống sốt xuất huyết còn nhiều hạn chế. Trong tháng 8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiến hành giám sát chỉ số mật độ muỗi vằn tại huyện Văn Giang, kết quả cho thấy, chỉ số vượt ngưỡng, cao hơn mức cảnh báo; tỉ lệ dụng cụ chứa nước có bọ gậy, muỗi vằn trên 20%.
Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế huyện Văn Giang phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại tất cả các khu vực, các hộ gia đình. Sau đó, duy trì hoạt động 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, bọ gậy cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đồng, Trưởng khoa Ký sinh trùng - Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Từ tháng 8, trung tâm tổ chức giám sát chỉ số véc tơ truyền bệnh (chỉ số muỗi truyền bệnh) tại 10 huyện, thị xã, thành phố. Chỉ số này ở một số địa bàn tương đối cao do môi trường chưa được xử lý tốt, chưa được vệ sinh đầy đủ. Sau đợt giám sát, chúng tôi đã có công văn đề nghị các huyện, thị xã, thành phố quyết liệt chỉ đạo công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về bệnh sốt xuất huyết, không lơ là, chủ quan với dịch bệnh sốt xuất huyết, thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết như vệ sinh môi trường, mắc màn khi ngủ, không để các vật dụng chứa đựng nước mưa tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi…
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát chỉ số véc tơ truyền bệnh
Theo số liệu trên hệ thống giám sát dịch bệnh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến giữa tháng 9, toàn tỉnh ghi nhận 169 trường hợp mắc sốt xuất huyết; chưa ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết, không có trường hợp tử vong. Tuy vậy, hiện nay đang bước vào giai đoạn giao mùa, thời tiết mưa nắng thất thường sẽ tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi phát triển. Vì vậy, trong thời gian tới, bệnh sốt xuất huyết có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ phát triển thành dịch. Ngành y tế yêu cầu trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo trạm y tế tuyến xã tăng cường giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết, tổ chức vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, bảo đảm 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch sốt xuất huyết và các khu vực lân cận được phun hóa chất. Giám sát chặt chẽ hằng ngày các trường hợp nghi/mắc sốt xuất huyết tại các khu vực ổ dịch để phát hiện kịp thời các ca mắc mới; lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi/mắc sốt xuất huyết gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để xét nghiệm chẩn đoán và định tuýp sốt xuất huyết Dengue. Bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời hỗ trợ tuyến xã trong công tác giám sát, phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Đối với người dân, khi có các dấu hiệu như: Sốt kèm đau mắt, nhức đầu, phát ban, đau xương khớp, buồn nôn cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, theo dõi và điều trị, tránh để bệnh diễn tiến nặng, gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan