KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024); KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024); KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2024)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 17/04/2024 - Lượt xem: 247
Hoạt động trợ giúp người khuyết tật

Những năm qua, hoạt động chăm sóc, trợ giúp người yếu thế nói chung, người khuyết tật (NKT) nói riêng được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh quan tâm. NKT được hỗ trợ học văn hóa, học nghề, giới thiệu việc làm... Với sự hỗ trợ tích cực từ Nhà nước, cộng đồng và bằng nghị lực của bản thân, nhiều NKT không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Không may bị tai nạn giao thông, anh Phạm Văn Thao (xã Minh Hoàng, Phù Cừ) phải cưa cánh tay bên phải. Khi đó, anh suy sụp hoàn toàn, mặc cảm, tự ti với bản thân. Thế rồi, được sự chăm sóc, động viên của gia đình, bạn bè… anh đã dần lấy lại tinh thần. Vợ chồng anh đồng cam cộng khổ, tìm cách để phát triển kinh tế gia đình. Bằng nghị lực, sự năng động của bản thân, từ sạp bán rau quả nhỏ lẻ, đến nay, vợ chồng anh đã có 2 cửa hàng bán rau quả lớn ở chợ đầu mối nông sản thị trấn Trần Cao (Phù Cừ). Cửa hàng của anh thuê thêm 3 lao động phụ giúp bán hàng. Mỗi tháng, trừ chi phí, thu nhập của gia đình anh đạt từ 50 đến 60 triệu đồng. Kinh tế gia đình phát triển, anh đã xây dựng được ngôi nhà khang trang. Cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tại Trường Phục hồi chức năng và dạy nghề
cho người khuyết tật Tiên Lữ
Vượt qua khó khăn, khuyết tật của bản thân, chị Phạm Thị Lý ở thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ) đã chủ động tự học, tích lũy kiến thức, tự bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dạy kèm cặp các em học sinh ở gần nhà. Trong quá trình kèm cặp các em, chị Lý chủ yếu dạy kiến thức cơ bản cùng với việc giải đáp thắc mắc của các em khi làm bài. Lớp học của chị Lý đã duy trì nhiều năm nay. Với chị Lý được “dạy học” vừa là niềm vui, tiếng cười nói của các em nhỏ giúp chị có nghị lực hơn trong cuộc sống, tiếp tục hành trình vượt lên mặc cảm của bản thân và kiên trì với ước mơ nuôi dưỡng mầm xanh cho quê hương, đất nước…
Hiện nay, toàn tỉnh có 3.646 NKT đặc biệt nặng, 14.642 NKT nặng. Nhiều trường hợp bị mắc đa tật nên gặp khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày. Đa số NKT đều có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu sống dựa vào người thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thành lập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội; tổ chức tư vấn, hướng dẫn NKT và gia đình làm hồ sơ theo quy định. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với NKT; phối hợp với địa phương giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ cơ sở. Nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo giúp đỡ NKT đã được các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội tổ chức thường xuyên như: Chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; trẻ khuyết tật được hỗ trợ phẫu thuật tim; cấp xe lăn, xe lắc, dụng cụ chỉnh hình; dạy nghề miễn phí… Trên 18 nghìn NKT nặng, đặc biệt nặng đang được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Đồng thời, tích cực vận động các tầng lớp Nhân dân phát huy tinh thần tương thân, tương ái hỗ trợ NKT ổn định cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm, tự ti, vươn lên hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội… Được Hội Người mù tỉnh tặng gậy đi đường, bà Trương Thị Huấn ở xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ) rất phấn khởi: Là NKT có hoàn cảnh khó khăn, thời gian qua, tôi thường xuyên được địa phương, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm thăm hỏi, tặng quà, nhất là trong dịp lễ, tết. Các chính sách trợ giúp xã hội, tôi cũng được thụ hưởng đầy đủ. Nhờ vậy, cuộc sống của tôi đã vơi bớt nhiều khó khăn.
Hiện nay, 4 cơ sở trợ giúp xã hội công lập đang chăm sóc, nuôi dưỡng 684 NKT. Các đối tượng khuyết tật đều được các cơ sở quan tâm, thực hiện hoạt động phục hồi chức năng phù hợp với từng dạng tật, sức khỏe, thể trạng của từng người. Chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng cho các đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội công lập đang được thực hiện cao hơn mức quy định chung của Chính phủ. Đồng chí Hoàng Văn Phong, Phó Hiệu trưởng phụ trách, điều hành Trường Phục hồi chức năng và dạy nghề cho NKT Tiên Lữ cho biết: Học sinh của trường chủ yếu là trẻ bị câm, điếc bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ. Bằng tất cả tâm huyết, tình yêu thương, đội ngũ giáo viên nhà trường kiên trì đồng hành, giúp các em điều trị phục hồi chức năng, học nghề và rèn nghị lực sống. Nhiều em ra trường có việc làm và thu nhập ổn định.
Sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân đã tạo cơ hội để NKT được bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát huy khả năng và tự lực trong cuộc sống, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Dù vậy, trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít NKT có hoàn cảnh sống khó khăn, nhất là NKT đặc biệt nặng; nhiều NKT còn tâm lý tự ti, mặc cảm về bản thân, gặp khó khăn trong việc lựa chọn mô hình sinh kế.
Để nâng cao hiệu quả công tác chăm lo, hỗ trợ NKT, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 1/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách trợ giúp NKT; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực thực hiện các hoạt động trợ giúp NKT…
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan