MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI – MỪNG ĐẢNG QUANG VINH – MỪNG XUÂN ẤT TỴ 2025
Kinh tế
Đăng ngày: 07/01/2025 - Lượt xem: 45
Thu lãi 500 triệu đồng mỗi năm từ nghề sản xuất miến dong

Anh Phạm Văn Tưởng ở thôn Lại Trạch, xã Yên Phú (Yên Mỹ) khởi nghiệp từ nghề làm miến dong, nghề truyền thống của địa phương, để phát triển kinh tế. Đến nay, gia đình anh là một trong những hộ sản xuất miến lớn nhất trong xã. Với niềm đam mê, quyết tâm làm giàu, anh Tưởng đã hoàn thiện dây chuyền sản xuất miến trong mọi điều kiện thời tiết, giảm công lao động, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế...

 Sản phẩm miến dong của gia đình anh Phạm Văn Tưởng, xã Yên Phú (Yên Mỹ)

Những năm đầu, vợ chồng anh sản xuất theo phương thức thủ công, năng suất thấp. Trong quá trình sản xuất, anh không ngừng tìm hiểu, mua sắm máy, thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nguyên liệu chủ yếu để sản xuất miến là bột củ dong được anh đặt hàng và nhập về từ một số tỉnh như: Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La, Yên Bái… Củ dong sau khi nhập về được chế biến, lọc lấy tinh bột rồi tráng qua nồi hơi để ra sản phẩm bánh miến. Tiếp đó, bánh được phơi ráo rồi đưa vào máy cắt thành sợi, trải lên giàn tre và tiếp tục được phơi nắng cho khô kiệt. Cuối cùng, tuỳ theo yêu cầu các đơn hàng để bao gói miến theo quy cách hay giao nguyên sợi chưa bao gói cho thương lái.

Anh Tưởng cho biết, trong toàn bộ quy trình chế biến miến, có 2 công đoạn là làm khô bánh tráng và sợi miến phải phụ thuộc thời tiết bởi vào những ngày trời mưa hoặc nồm ẩm, các cơ sở đều không thể sản xuất vì không phơi được bánh tráng và sợi miến. Đồng thời, người làm còn phải có đủ diện tích đất trống để xếp giàn phơi khô miến nên các chủ cơ sở sản xuất phải thuê ruộng, đất để phơi.

Để khắc phục những khó khăn trên, anh Tưởng đi học hỏi nhiều nơi. Năm 2019, khi tìm hiểu dây chuyền làm mì gạo có bộ phận sấy khô, thấy có một số điểm tương đồng nên anh đã nảy ra ý tưởng tạo ra cỗ máy liên hoàn sản xuất miến, vừa nấu bột thành hồ, vừa đảo trộn, tráng bánh, sấy khô, thái sợi... Sau đó anh mua sắt, thép, đồ điện... về tiến hành làm ngay. Phải mất gần nửa năm chỉnh sửa thì chiếc máy mới hoàn thiện. Khi đưa vào sản xuất, chiếc máy này giúp tăng năng suất 50% so với sản xuất theo quy trình cũ. Dây chuyền có hệ thống cấp nhiệt làm khô bánh tráng và sợi miến nên không còn lo sản xuất gặp phải thời tiết mưa, ẩm. Sản phẩm làm ra cũng bảo đảm an toàn thực phẩm hơn, hạn chế bụi bẩn do không phải phơi khi bánh miến còn ướt...

Với hệ thống máy móc hỗ trợ, cơ sở sản xuất miến dong của gia đình anh Tưởng làm quanh năm với sản lượng trung bình hàng chục tấn miến/tháng. Từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch hằng năm, sản lượng cao hơn để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán. Hiện nay, mỗi ngày, gia đình anh sản xuất trên 2 tấn miến khô/ngày, xuất bán trong và ngoài tỉnh. Với giá bán từ 47.000 đến 50.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình anh Tưởng thu lãi trên 500 triệu đồng từ nghề làm miến.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, cơ sở của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 15 – 20 lao động địa phương với mức thu nhập từ 350.000 đến 400.000 đồng/người/ngày.

Nguồn: https://baohungyen.vn/

Tin liên quan