Toàn bộ số tiền thiệt hại, hậu quả trong vụ án đã được các bị cáo khắc phục ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố, trong đó bị cáo Nguyễn Đức Thái nộp 25 tỷ đồng, Tô Mỹ Ngọc nộp 19 tỷ đồng...
Sáng 14/1, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử 8 bị cáo trong vụ án "Đưa hối lộ," “Nhận hối lộ," "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (viết tắt là Nhà xuất bản Giáo dục).
Cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Nguyễn Đức Thái bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội “Nhận hối lộ” với số tiền lên tới 25 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có 5 bị cáo khác cũng là cựu lãnh đạo, nhân viên Nhà xuất bản Giáo dục gồm Nguyễn Thị Thanh Thủy (cựu Trưởng Ban Kế hoạch Maketing), Đinh Quốc Khánh (Phó Trưởng Phòng in, Phát hành Nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội), Phạm Gia Thạch (thành viên Hội đồng thành viên), Hoàng Lê Bách và Lê Hoàng Hải (đều là Phó Tổng Giám đốc) cùng bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng."
Hai bị cáo Tô Mỹ Ngọc (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Phùng Vĩnh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc kinh doanh Công ty CP) và Nguyễn Trí Minh (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Giấy Minh Cường Phát, gọi tắt là Công ty Minh Cường Phát) cùng bị truy tố về tội "Đưa hối lộ."
Có tổng số 13 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại phiên tòa. Bị cáo Tô Mỹ Ngọc là bị cáo duy nhất trong vụ án được tại ngoại. Bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe và được Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát chấp thuận do đã có lời khai tại giai đoạn điều tra đồng thời có luật sư bào chữa tại phiên tòa.
Hội đồng xét xử đã triệu tập gần 20 người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Ngoài ra còn triệu tập đại diện Nhà xuất bản Giáo dục với tư cách là nguyên đơn dân sự; triệu tập đại diện Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty giấy Minh Cường Phát với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Chủ động nộp tiền khắc phục hậu quả
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, từ năm 2017, Nguyễn Đức Thái đã chỉ đạo thực hiện việc đấu thầu giấy in sai quy định theo đề nghị của Tô Mỹ Ngọc và Nguyễn Trí Minh.
Cụ thể, Tô Mỹ Ngọc và Nguyễn Trí Minh lựa chọn mua sắm giấy in theo phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn, trái quy định của Luật Đấu thầu để hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực. Đồng thời, tiết lộ thông tin trước khi phát hành hồ sơ yêu cầu, thông đồng và hợp thức hóa thủ tục đấu thầu để tạo điều kiện cho Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty Minh Cường Phát được cung cấp giấy in cho Nhà xuất bản Giáo dục.
Trong quá trình thực hiện các gói thầu, Nguyễn Đức Thái đã nhận hối lộ của hai nhà thầu này với tổng số tiền 24,9 tỷ đồng. Trong đó, Thái nhận hối lộ từ Ngọc 20 tỷ đồng và giúp nhóm công ty của Ngọc trúng 13 gói thầu, tổng trị giá hơn 2.100 tỷ đồng. Còn Minh còn nhiều lần đưa hối lộ cho bị cáo Thái với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Nhờ vậy, Công ty Minh Cường Phát được trúng 5 gói thầu của Nhà xuất bản Giáo dục, tổng trị giá hơn 200 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, truy tố, các bị cáo đã nộp khắc phục hậu quả tổng số tiền hơn 47 tỷ đồng. Theo đó, toàn bộ số tiền thiệt hại, hậu quả trong vụ án đã được các bị cáo khắc phục ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố. Cụ thể, bị cáo Nguyễn Đức Thái nộp 25 tỷ đồng, Tô Mỹ Ngọc nộp 19 tỷ đồng, Nguyễn Trí Minh nộp gần 2,8 tỷ đồng, Nguyễn Thị Thanh Thủy nộp 370 triệu đồng, Đinh Quốc Khánh nộp 100 triệu đồng, Hoàng Lê Bách nộp 30 triệu đồng, Lê Hoàng Hải và Phạm Gia Thạch mỗi bị cáo nộp 50 triệu đồng.
Xác định hành vi liên quan
Trong vụ án này, quá trình điều tra, cơ quan tố tụng còn xác định hành vi của một số cá nhân có liên quan. Theo đó, nhóm thành viên Tổ tư vấn triển khai mua sắm giấy in phục vụ in ấn sách giáo dục năm 2018-2019 của Nhà xuất bản Giáo dục, gồm Vũ Gia Hưng (Phó Trưởng Ban Kế hoạch Tài chính), Nguyễn Thị Trà Giang (chuyên viên Ban Kế hoạch Tài chính), Lê Anh Quân (chuyên viên Ban Kế hoạch Maketing) đã có hành vi thống nhất việc thực hiện mua sắm theo phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn đối với 7 gói thầu, tham gia tổ chức triển khai hoạt động đấu thầu trái quy định pháp luật.
Tuy nhiên, Cơ quan điều tra xác định các cá nhân này là cán bộ cấp dưới, thực hiện hành vi sai phạm theo chỉ đạo của cấp trên; không thông đồng, không làm việc trực tiếp với nhà thầu; không biết mục đích của Thái khi chỉ đạo thực hiện để Thái được nhận tiền hối lộ; không được bàn bạc, trao đổi, không bị tác động hoặc chỉ đạo để làm sai lệch hồ sơ đấu thầu; không được hưởng lợi. Vì vậy, cơ quan công an kết luận không đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với hành vi của các cá nhân nêu trên, đồng thời có văn bản kiến nghị xem xét xử lý về Đảng và hành chính đối với những người này.
Đối với một số kiểm soát viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Nhà xuất bản Giáo dục được phân công nhiệm vụ thực hiện kiểm soát trên báo cáo định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm đối với toàn bộ các nội dung liên quan quản lý nhà nước tại doanh nghiệp.
Quá trình điều tra cho thấy các kiểm soát viên đó không có trách nhiệm tham gia hoạt động đấu thầu, đã thực hiện việc kiểm soát thông qua báo cáo đối với hoạt động mua sắm giấy in nhưng không phát hiện ra sai phạm; không biết việc các bị cáo thông đồng, làm trái quy định đấu thầu để nhận tiền hối lộ. Vì vậy, Cơ quan điều tra kết luận không đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với hành vi của các cá nhân này.
Trong vụ án, Huỳnh Thanh Hoàng (nhân viên kinh doanh Công ty Minh Cường Phát) là người có hành vi lập hồ sơ dự thầu của Công ty Minh Cường Phát và hồ sơ của các công ty quân xanh; bàn giao hồ sơ dự thầu cho Đinh Quốc Khánh, giả chữ ký của nhân viên Công ty Giấy Chánh Đạt và Công ty Giấy Hân Phát để ký vào biên bản giao nhận hồ sơ dự thầu với Nhà xuất bản Giáo dục.
Ngoài ra, Hoàng đã cùng Nguyễn Trí Minh rút 2,5 tỷ đồng từ tài khoản của Minh và đến Nhà xuất bản Giáo dục để đưa Thái. Tuy nhiên, xét việc Hoàng là nhân viên, thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Trí Minh; quá trình điều tra, Hoàng đã chủ động tố giác hành vi đưa hối lộ của Nguyễn Trí Minh, khai báo, phối hợp cung cấp tài liệu, dữ liệu quan trọng giúp Cơ quan điều tra phát hiện, khởi tố điều tra, hành vi “Đưa hối lộ” của Nguyễn Trí Minh, làm rõ bản chất của vụ án… Do đó, căn cứ động cơ, mục đích, tính chất hậu quả, Cơ quan điều tra đã quyết định không xử lý hình sự đối với Huỳnh Thanh Hoàng.
Ngoài ra, một số đại diện doanh nghiệp như Nguyễn Thị Hoàng Xuân Diệu (Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty Chánh Đạt) và Nguyễn Tuấn Mỹ (Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm giám đốc Công ty Hân Phát) có mối quan hệ quen biết từ trước nên khi Nguyễn Trí Minh nhờ, Diệu và Mỹ đã ký hồ sơ dự thầu của Công ty Hân Phát và Công ty Chánh Đạt. Tuy nhiên, mọi thủ tục liên quan đến việc lập hồ sơ dự thầu đều do Nguyễn Trí Minh chỉ đạo Huỳnh Thanh Hoàng thực hiện, Diệu và Mỹ không được bàn bạc, trao đổi, không biết về việc thông thầu giữa Nguyễn Trí Minh và những người liên quan tại Nhà xuất bản Giáo dục, không được hưởng lợi. Do vậy, xét tính chất, mức độ hành vi sai phạm, Cơ quan điều tra quyết định không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Tuấn Mỹ và bà Nguyễn Thị Hoàng Diệu.
Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 4 ngày./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/