KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Học tập và làm theo lời bác
Đăng ngày: 07/02/2024 - Lượt xem: 2958
Xây dựng đảng về đạo đức theo tư tưởng hồ chí minh - giá trị lý luận và thực tiễn

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, là người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Vận mệnh của dân tộc trong gần một thế kỷ qua không tách rời vận mệnh của Đảng, vì vậy xây dựng Đảng Cộng sản trong sạch, vững mạnh là điều quyết định cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta. Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng giai đoạn hiện nay.

Tầm quan trọng của xây dựng Đảng về đạo đức
Xây dựng Đảng về đạo đức có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước ta, đó là nền tảng để xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, là điều kiện để Đảng ta giành, giữ, thực thi quyền lực đồng thời là vũ khí sắc bén để chống lại nguy cơ suy thoái của cán bộ, đảng viên, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong và ngoài Đảng. Vì vậy, ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng cũng như trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng và nhấn mạnh vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức.
Hội thảo khoa học cấp trường "Xây dựng đảng cộng sản Việt Nam về đạo đức theo tư tưởng
Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay"
Nội dung xây dựng Đảng về đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Xây dựng Đảng về đạo đức được thể hiện trên hai nội dung cơ bản, đó là xây dựng đạo đức của tổ chức đảng và xây dựng đạo đức của cán bộ, đảng viên. Theo đó, xây dựng các quy tắc, chuẩn mực đạo đức của tổ chức đảng hàm chứa nội dung xây dựng đạo đức trong tôn chỉ, mục đích hoạt động của Đảng; trong nghiên cứu, vận dụng nền tảng lý luận của Đảng; đường lối của Đảng; tổ chức và kỷ luật của Đảng và xây dựng bản lĩnh trước những sai lầm, khuyết điểm của Đảng chân chính cách mạng.
Xây dựng quy tắc, chuẩn mực đạo đức của đảng viên trong đó cần quan tâm đến nội dung xây dựng phẩm chất trung với nước, hiếu với dân, kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước và Nhân dân lên trên hết; xây dựng phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không sa vào chủ nghĩa cá nhân; hết lòng yêu thương con người; xây dựng cho mình bản lĩnh vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách.
Xây dựng đạo đức của tổ chức Đảng và đạo đức của đảng viên có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại với nhau. Do đó, nhiệm vụ của mỗi đảng viên là giữ gìn đạo đức của Đảng và lan toả đến Nhân dân và toàn xã hội bằng những hành động cụ thể và thiết thực.
Giá trị lý luận xây dựng Đảng về đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Góp phần làm phong phú thêm những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại đồng thời bổ sung vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng đạo đức của đảng cầm quyền. Với tư chất thông minh, độc lập, sáng tạo, Hồ Chí Minh đã kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tư tưởng đạo đức phương Đông, phương Tây, chủ nghĩa Mác – Lênin, vận dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam trong thời đại mới. Người đề cập đến những vấn đề cụ thể và toàn diện nhằm xây dựng tổ chức Đảng Cộng sản với tính đặc thù của dân tộc, luôn đề cao những giá trị đạo đức trong tổ chức cũng như với mỗi cá nhân. Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập và lãnh đạo đã thống nhất giữa lợi ích giai cấp công nhân với lợi ích dân tộc; giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội. Từ đó, đưa ra quan niệm của Người về đạo đức cách mạng, đạo đức của người cộng sản, của tổ chức Đảng và nâng lên một tầm cao mới, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể của đất nước, thời đại và nhân loại, thể hiện sâu sắc tính cách mạng và khoa học.
Cung cấp cơ sở lý luận cho việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam về đạo đức. Hồ Chí Minh là người khởi xướng việc xây dựng nền đạo đức mới làm động lực cho sự nghiệp xây dựng xã hội mới ở nước ta. Mục đích, những tiêu chí, phẩm chất đạo đức cơ bản của Người không những định hướng cho Đảng xây dựng hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam mà còn là cơ sở lý luận quan trọng cho việc xây dựng đường lối xây dựng Đảng về đạo đức.
Giá trị thực tiễn xây dựng Đảng về đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Tạo nền tảng xây dựng Đảng về đạo đức trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Xây dựng Đảng về đạo đức trở thành nền nếp trong sinh hoạt Đảng với tinh thần thẳng thắn, chân thành và hiệu quả. Đảng của những người cộng sản Việt Nam đã được rèn luyện về bản lĩnh, về đạo đức và về trí tuệ, được toàn thể Nhân dân gọi với cái tên thân thuộc là “Đảng ta”. Chính tấm gương cao đẹp của những người lãnh đạo Đảng và chính quyền mà tiêu biểu nhất là tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành tấm gương sáng để thanh niên yêu nước, những chiến sĩ cộng sản đầu tiên của đất nước phấn đấu noi theo, là nguồn động viên hàng triệu thanh niên ra mặt trận, cổ vũ Nhân dân hăng hái thi đua hoàn thành các nhiệm vụ, các kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng của quốc gia, dân tộc.
Xây dựng Đảng về đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh đang và sẽ tiếp tục giải quyết những vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Bước vào thời kỳ mới, bên cạnh những tấm gương tu dưỡng, rèn luyện đạo đức sáng ngời của những chiến sĩ cộng sản, vẫn có những lúc, việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục; hoặc được thực hiện chưa thiết thực, hiệu quả. Vì vậy, cần phải tăng cường việc xây dựng Đảng về đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tổ chức Đảng và đối với mỗi đảng viên để góp phần tạo nên sức mạnh làm cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Cương lĩnh chính trị của Ðảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, tăng cường xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Ðảng, xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm khiết và hành động. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ” [1]. Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là nền tảng, là gốc để Đảng ta trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. 
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên, công tác xây dựng Đảng trên địa bàn tỉnh đặc biệt được quan tâm, nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống chính trị của tỉnh. Với chức năng, nhiệm vụ của Trường chính trị Nguyễn Văn Linh, trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học đã được tập trung cao độ nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Trường đã từng bước áp dụng các phương pháp giảng dạy mới kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kết hợp với xu thế phát triển của thời đại trong các lĩnh vực khoa học và đảm bảo các nguyên tắc trong xây dựng Đảng. Vì vậy, chất lượng giảng dạy lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, nhất là lớp cán bộ trẻ bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Tính từ năm 2018 đến hết năm 2023, với 9.260 lượt cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức tại Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh đã dần khẳng định được chất lượng của việc giảng dạy lý luận chính trị của nhà trường đối với đội ngũ cán bộ của tỉnh. Thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, giảng viên của trường đã trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, giúp cho học viên luôn rèn luyện, trau dồi, phát huy phẩm chất đạo đức cách mạng; nêu cao sự trung thành với nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành với mục tiêu chủ nghĩa xã hội, bảo vệ quyền lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch,...
Nội dung xây dựng Đảng nói chung và xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng theo tư tưởng Hồ Chí Minh cũng được cụ thể hóa với nhiều hoạt động thiết thực, có sức lan tỏa và hưởng ứng tới mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, học sinh, sinh viên, Nhân dân tỉnh Hưng Yên và các tỉnh bạn được thể hiện qua cuộc thi: “Bác Hồ với Hưng Yên, Hưng Yên với Bác Hồ” do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên phát động. Sau 5 tháng phát động, Ban Tổ chức Cuộc thi đã nhận được 52.759 bài của các địa phương, đơn vị trong và ngoài tỉnh gửi tham gia. Trong đó, các địa phương trong tỉnh có 35.627 bài; các đơn vị tỉnh ngoài có 17.132 bài tham gia. Kết quả có 39 tác giả, nhóm tác giả đoạt giải, gồm: 1 giải Nhất, 4 giải Nhì, 5 giải Ba và 29 giải khuyến Khích. Giảng viên của trường đã tích cực tham gia viết bài tham gia cuộc thi và đã đạt kết quả cao với 01 giảng viên đoạt giải Ba và 01 giảng viên đoạt giải khuyến Khích.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên đã thấm nhuần quan điểm lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng Đảng về đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Qua đó mỗi đảng viên luôn tu dưỡng, rèn luyện, tuân theo những nguyên tắc xây dựng và thực hành đạo đức, xây đi đôi với chống, nêu gương về đạo đức và phải tu dưỡng đạo đức suốt đời nhằm thực hiện lời dạy của Người nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Tổ chức đảng đã nêu cao tinh thần tổ chức kỷ luật, bản lĩnh, trách nhiệm để vượt mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng tỉnh Hưng Yên ngày càng hưng thịnh hơn.
Để lãnh đạo đất nước trong điều kiện mới, Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là một đảng cầm quyền phải thật sự vững mạnh, đủ tâm, đủ tầm, đủ bản lĩnh, trí tuệ để đưa đất nước phát triển bền vững. Muốn vậy, Đảng phải tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, nguy cơ, nâng cao tầm trí tuệ. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng, cấp ủy đảng trong cả nước nói chung và tỉnh Hưng Yên nói riêng phải tiếp tục quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, chung tay xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.
TS. Đỗ Minh Trí, Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh
Tài liệu tham khảo.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.180.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan