Thực tế cho thấy trong những ngày đầu năm 2025, việc chấp hành trật tự, an toàn giao thông đường bộ có sự biến đổi nhất định theo hướng tích cực, dù ở nhiều nơi sức ỳ cũ vẫn mạnh hơn sự răn đe quy định mới.
Người dân chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông tại tuyến đường Khuất Duy Tiến-Nguyễn Trãi, Hà Nội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Trong những ngày đầu năm mới dư luận rất quan tâm đến Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Nghị định được ký ngày 26/12/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Điều 3 (Chương I) của Nghị định quy định hình thức xử phạt vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả; thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Theo đó, khi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì các cá nhân, tổ chức phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo-phạt tiền-tịch thu phương tiện.
Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm nhất hiện nay chính là hình thức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Lý do là mức phạt tiền được nâng cao so với mức phạt trước đây. Chẳng hạn, Chương II, Mục 1 quy định: Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với người điều khiển xe (cơ giới) trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở; đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc, quay đầu xe trên đường cao tốc.
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng nếu đi ngược chiều của đường một chiều; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ)…
Có ý kiến cho rằng mức phạt tiền theo nghị định mới là quá cao, đặc biệt so với thu nhập trung bình ở Việt Nam. Ngược lại, có nhiều ý kiến nhận xét một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông ở nước ta rất tùy tiện, đặt sự tiện lợi của bản thân lên trên pháp luật, tính mạng và sức khỏe của cộng đồng, do đó phải tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm mới đủ sức răn đe, cảnh tỉnh.
“Vật chất quyết định ý thức,” có nghĩa là sức ép tài chính càng cao càng có hiệu quả buộc các đối tượng thiếu ý thức tự điều chỉnh thái độ, nâng cao tính tự giác chấp hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Thực tế cho thấy rằng trong mấy ngày đầu năm 2025 việc chấp hành trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã có sự biến đổi nhất định theo hướng tích cực, cho dù ở nhiều nơi sức ỳ cũ vẫn mạnh hơn sự răn đe của quy định mới.
Không thể phủ nhận tác động của Nghị định 168/2024/ NĐ-CP lên ý thức của người tham gia giao thông đường bộ. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào tính răn đe của Nghị định trên giấy mà không đẩy mạnh việc thực thi của lực lượng chức năng trên thực tế thì tình trạng cũ sẽ nhanh chóng quay trở lại.
Nếu trong số hàng trăm người điều khiển xe máy vượt đèn đỏ hay chạy trên vỉa hè để “cướp đường” của người đi bộ mà lực lượng chức năng chỉ xử lý được vài “trường hợp kiểu mẫu,” trong đám đông sẽ nảy sinh tâm lý “trúng số độc đắc ngược.”
“Số độc đắc ngược” có nghĩa là bao nhiêu người vi phạm thế kia, xác suất bị xử lý rơi trúng đầu mình là cực kỳ hiếm hoi, không đáng sợ (!). Quy định dù chặt chẽ đến đâu mà thiếu sự thực thi nghiêm khắc cũng giống như người nhảy lò cò bằng một chân. Đến đích trên con đường dài cần phải đi bằng hai chân-có sự đồng bộ giữa việc soạn thảo, ban hành văn bản với sự tổ chức thực hiện trên thực tế.
Nghị định 168/2024/NĐ-CP dù có tăng mức phạt tiền lên thật cao đối với mọi hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông thì cũng hoàn toàn không liên quan đến mục tiêu thu ngân sách. Nghị định ra đời nhằm tăng cường tính giáo dục, răn đe của pháp luật để từ đó nâng cao ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông, nhằm hướng tới mục tiêu tối thượng là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người và sự trật tự, bình an của xã hội.
Trong năm 2024 trên cả nước đã xảy ra 21.532 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm chết 9.954 người, làm bị thương 16.044 người.
Theo Cục Cảnh sát Giao thông thuộc Bộ Công an, trong số các vụ tai nạn có tới 3.065 vụ do người điều khiển phương tiện đi không đúng chiều đường, phần đường, làn đường quy định.
Các quy định về xử phạt hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đã được ban hành trước đây chưa đủ sức răn đe cũng như việc xử lý trên thực tế thời gian qua chưa thật hiệu quả, đồng bộ, kiên trì.
Bên cạnh đó là ý thức tự giác của nhiều người dân chưa cao. Tất cả những điều kể trên dẫn đến tình trạng trong một bộ phận người tham gia giao thông hình thành nhiều thói quen xấu mà chúng ta có thể nói ngắn gọn bằng hai từ - “nhờn luật”! Đó là điều cần phải xóa bỏ triệt để./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/